205
/
79867
5 điểm mới trong chống chạy chức, chạy quyền
5-diem-moi-trong-chong-chay-chuc-chay-quyen
news

5 điểm mới trong chống chạy chức, chạy quyền

Thứ 6, 27/09/2019 | 16:13:35
822 lượt xem

Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền với 5 nội dung mới. 

VnExpress trao đổi với ông Hoàng Trọng Hưng, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, về quy định nêu trên.

- Vì sao quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (quy định) được ban hành vào lúc này, thưa ông?

- Việc Bộ Chính trị ban hành quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Trong đó, nghị quyết 26 (hội nghị Trung ương 7) đã yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các trường hợp có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền.

Trong thời điểm các cấp ủy triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội XIII của Đảng, thì việc ban hành và thực hiện quy định này càng cần thiết đối với công tác nhân sự của nhiệm kỳ mới, bảo đảm cho việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo.

Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Trọng Hưng. Ảnh: Hoàng Thuỳ

Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Trọng Hưng. Ảnh: Hoàng Thuỳ

- Việc chống chạy chức, chạy quyền đã được đề cập trong các nghị quyết trước đây, vậy quy định này có gì mới?

- Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản riêng về lĩnh vực này. Theo tôi, quy định có 5 nhóm nội dung mới.

Đầu tiên là cách tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực theo các chủ thể. Quy định nêu 6 nhóm chủ thể là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ để gắn trách nhiệm; nêu những việc phải làm, không được làm đối với từng nhóm chủ thể này. Chẳng hạn như, với chủ thể là cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo thì quy định nêu rõ phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai trong từng khâu về công tác cán bộ...

Hay với chủ thể là người đứng đầu cấp uỷ, địa phương thì phải triệu tập đầy đủ, đúng thành phần khi họp bàn về công tác cán bộ; dành thời gian thoả đáng để tập thể thảo luận, biểu quyết thật sự khách quan, dân chủ; không được thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình.

Thứ hai là quy định về hành vi, nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này. Trong một số văn bản của Đảng đã nêu vấn đề này nhưng chưa quy định cụ thể và chưa nhận diện rõ hành vi chạy chức, chạy quyền hay bao che, tiếp tay là như thế nào. Việc chỉ rõ như trong quy định làm cơ sở cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý và giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể căn cứ vào đó để phát hiện, tố giác, phản ánh.

Thứ ba, bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm. Bộ Chính trị đã có quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Ngoài hình thức xử lý theo quy định 102 này, người nào chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì còn nhận thêm chế tài bổ sung là đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn tương ứng 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ tư, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh tính tự giác. Đơn cử, những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ phải tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý khi có người thân là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ. Quy định này giúp tránh trường hợp bố, mẹ nhận xét con, vợ nhận xét chồng... sẽ không khách quan.

Thứ năm, quy định có những nội dung nhằm đảm bảo tính khách quan cho những người thực thi nhiệm vụ, đồng thời ngăn chặn tiêu cực, "lợi ích nhóm", "hoàng hôn nhiệm kỳ" có thể xảy ra trong công tác cán bộ.

Đơn cử, theo quy định, cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan không được bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan trực tiếp, có thể tạo ra ảnh hưởng đến tính khách quan trong thực thi công tác cán bộ. Ví dụ như không được để những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Uỷ ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra ở cùng một địa phương... 

- Quy định có nhiều điểm mới song thực tế một số hành vi chạy chức, chạy quyền thường diễn ra kín đáo, làm sao để phát hiện được thưa ông?

- Cũng như hành vi tham nhũng, hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay ngày càng đa dạng, tinh vi, khó phát hiện. Quá trình nghiên cứu, tổ biên tập đã cố gắng nhận diện hành vi một cách cụ thể, rõ ràng, dễ phát hiện, mọi người có thể đối chiếu quy định để tự soi, tự sửa hoặc làm căn cứ để phát hiện biểu hiện vi phạm của người khác.

Trong thực tế có thể còn những hoạt động liên quan đến chạy chức, chạy quyền cần được tiếp tục nghiên cứu, nhận diện. Trong quá trình triển khai thực hiện quy định này, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp thu, tổng hợp các góp ý và sơ kết, tổng kết thực tiễn để tiếp tục báo cáo cấp trên sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết. 

- Cơ quan nào sẽ giám sát và xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền?

- Về nguyên tắc, vi phạm được xử lý theo quy định về thẩm quyền, phân cấp trong công tác cán bộ. Nghĩa là cán bộ, đảng viên thuộc thẩm quyền quản lý của cấp nào, cơ quan nào, của ai thì cấp đó, cơ quan đó, người đó sẽ thực hiện việc giám sát, kiểm tra, xử lý. Tất nhiên phải theo quy trình từ phát hiện, kiểm tra, xác minh, xử lý để đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định. 

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện việc giám sát công tác cán bộ; đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm được phát hiện qua giám sát và phản ánh của nhân dân. 

- Quy định nghiêm cấm hành vi "dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân" để mặc cả chức vụ. Như vậy hành vi này từng xuất hiện trước đây?

- Thực tế có những cán bộ chứng tỏ được phẩm chất, năng lực trong quá trình công tác, song khi tổ chức sắp xếp vào vị trí nào đó mà tổ chức cho là phù hợp, thì người này dùng thành tích, lý lịch gia đình để đòi hỏi vị trí khác. Việc mặc cả trong công tác cán bộ tạo ra môi trường không tốt. Mục đích của quy định trên là tạo ra môi trường minh bạch, chọn được người xứng đáng, phù hợp trong bộ máy chính trị.

- Một số chuyên gia hiến kế để chống chạy chức, chạy quyền thì phải tăng cường thi tuyển cán bộ, đổi mới bầu cử trong Đảng. Ông nghĩ sao?

- Thi tuyển, bầu cử có số dư, tạo diễn đàn để cán bộ bảo vệ đề án, chương trình hành động của mình... đều là cách thức để lựa chọn người ưu tú nhất trong những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Việc thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, cấp sở, cấp vụ vừa qua đã được tổ chức ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị cũng góp phần chống chạy chức, chạy quyền. Cách thức này sẽ ngăn chặn những người muốn "chạy", vì "chạy" cả một hội đồng thi, cả một tập thể nhiều người có phẩm chất, uy tín, năng lực, bản lĩnh sẽ khó hơn "chạy" một số ít người. Điều căn bản ở đây là phải xây dựng cho được một môi trường lành mạnh, văn hóa, đề ra cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực trong trong công tác cán bộ. Theo tôi, quy định này của Bộ Chính trị đã có các biện pháp cụ thể, cần thiết và mạnh mẽ.

Bế mạc hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu "hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm".

Ông cũng yêu cầu phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.


Theo Hoàng Thùy/VnExpress

  • Từ khóa

Bỏ đề xuất người lao động bị sa thải, kỷ luật không được nhận bảo hiểm thất nghiệp

Tại dự Luật Việc làm sửa đổi mới nhất đã bỏ đề xuất người lao động bị sa thải, kỷ luật không được nhận bảo hiểm thất nghiệp
19:56 - 11/01/2025
141 lượt xem

Quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi bền vững

Tối 10.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao VN đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và...
07:53 - 11/01/2025
399 lượt xem

Giảm hơn 3 triệu thanh niên vì già hóa dân số

Già hóa dân số khiến lực lượng thanh niên đã giảm từ hơn 23,4 triệu người năm 2018 còn hơn 20 triệu người (năm 2024).
20:28 - 10/01/2025
680 lượt xem

Thủ tướng Nga sắp thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 15-1, đánh dấu chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị...
14:27 - 10/01/2025
844 lượt xem

Nỗ lực cao, quyết tâm lớn tạo đột phá trong hợp tác Việt Nam - Lào

Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, sáng 10/1, tại Thủ đô Vientiane, Thủ tướng Chính...
13:50 - 10/01/2025
828 lượt xem