Bầu cử trong đảng sẽ hạn chế tối đa những sai lầm trong việc chọn người để thay mặt Đảng cầm quyền trong bộ máy Nhà nước
Rất nhiều vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn đã được nêu ra tại hội thảo khoa học "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, những vấn đề lý luận và thực tiễn", do Tạp chí Cộng sản và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổ chức ngày 25/9. Trong đó, đáng chú ý là quan điểm của PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề bầu cử trong Đảng.
PGS.TS Lê Minh Thông tham luận tại Hội thảo (Ảnh: Trần Vương)
Có bầu cử tốt trong Đảng mới bầu cử tốt trong Nhà nước
Theo PGS-TS Lê Minh Thông, bầu cử trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chọn ra người cầm quyền, quyết định sinh mệnh cầm quyền của Đảng. Làm thế nào để chọn được người đủ tâm, đủ tầm, đủ độ tin cậy để thực hiện cầm quyền của Đảng trong bộ máy thực thi quyền lực của nhân dân. Đổi mới bầu cử trong đảng là yếu tố then chốt nhất trong số những vấn đề then chốt.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thực tế trên đòi hòi Đảng phải luôn hoàn thiện việc bầu cử của mình, chọn được chính xác nhất, hạn chế tối đa nhất những sai lầm trong việc chọn người để thay mặt Đảng cầm quyền trong bộ máy Nhà nước.
Thứ hai, Nhà nước có chế độ bầu cử riêng, theo luật. Nhưng riêng Đảng thì thực hiện theo quy chế bầu cử trong Đảng. Đảng có 3 quy chế quan trọng được ban hành vào năm 2008, 2009 và 2014.
“Vậy quy chế đó có cần phải tiếp tục đổi mới?”, ông Thông đặt câu hỏi và nhấn mạnh: Quy chế bầu cử trong Đảng 2014 là rất quan trọng, giúp lựa chọn những người tham gia vào cấp ủy, từ cơ sở. Tuy nhiên từ thực tiễn bầu cử trong Đảng, giới nghiên cứu và quan sát cho rằng, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ để thực hiện tốt bầu cử trong Đảng. Có bầu cử tốt trong Đảng mới bầu cử tốt trong Nhà nước. Vì hai cái đó liên thông với nhau, nếu chọn tốt người vào cấp ủy, chính xác, thì khi giới thiệu bầu vào HĐND, Quốc hội, nhân dân tin tưởng. Nếu chọn không tốt thì khi đưa ra nhân dân chưa chắc đã trúng.
“Thực tiễn bầu cử HĐND các cấp và Quốc hội vừa rồi cho thấy, có những người được giới thiệu nhưng trượt, nhân dân không tín nhiệm. Cho nên phải đổi mới bầu cử trong Đảng thì mới có thể đổi mới bầu cử trong Quốc hội, Nhà nước. Vừa rồi chúng ta thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND. Tuy nhiên trong thực tiễn có địa phương lên kế hoạch rồi nhưng thực hiện lại không được. Trúng Bí thư cấp ủy nhưng lại không trúng HĐND. Cuối cùng một số địa phương không thực hiện được. Nhiều người khi từ cấp ủy sang nhưng không được nhân dân tín nhiệm”- PGS-TS Lê Minh Thông nêu ví dụ.
Cần công khai quy hoạch trước đại hội
Để thực hiện tốt việc bầu cử trong Đảng theo quy chế bầu cử 244 năm 2014, ông Lê Minh Thông cho rằng, giải pháp ở đây là phải cung cấp cho đảng viên những thông tin cần thiết về nhân sự của đại hội, để tránh tính trạng râm ran tin đồn. Có hai khâu cần thiết phải cung cấp thông tin cho đảng viên, một là khâu quy hoạch cho đảng viên biết xem những ai quy hoạch vào đâu, chứ nếu quy hoạch mà chỉ cấp ủy biết, không công bố cho đảng viên thì đảng viên không thể kiểm soát được nhân sự sẽ đại diện cho mình cầm quyền.
“Cần công khai quy hoạch trước đại hội. Ví dụ chúng ta quy hoạch hơn 200 nhân sự vào diện Uỷ viên T.Ư khóa XIII, 200 người đó phải được công khai để đảng viên biết và giám sát họ. Bộ Chính trị vừa quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền. Đảng viên muốn kiểm soát được thì phải biết thông tin, chứ không biết thì sao kiểm soát được”- Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm.
30% số dư vẫn là quá ít
Về công tác nhân sự tại ĐH đảng các cấp, ông Thông cho biết, lâu nay, cứ ngày bầu cử mới công bố nhân sự. Theo ông, danh sách các ứng cử viên phải được công bố công khai để các đại biểu có đủ thời gian nghiên cứu kỹ nhân thân. Cạnh tranh là phải có số dư, nhưng đồng thời phải có tranh cử. Ở bên Nhà nước, các đại biểu HĐND, ĐBQH phải đi vận động, tranh cử, trình bày trước cử tri. Nhưng trong Đảng, các ứng cử viên không thấy có chương trình hành động.
PGS-TS Lê Minh Thông nhấn mạnh: “Vậy khi tôi bầu anh thì anh sẽ làm gì sau khi trúng cử? Trong điều kiện đại hội thì không thể như Quốc hội. Nhưng trong hồ sơ, bắt buộc các ứng cử viên phải có chương trình hành động để các đại biểu nghiên cứu. Để xuyên suốt nhiệm kỳ người ta xem xét anh hứa như thế thì có làm không. Đại hội cần tổ chức các diễn đàn bầu cử, để các ứng cử viên có diễn đàn giao lưu với những người bầu. Tránh trường hợp bầu mà không biết mặt. Để các ứng cử viên tiếp xúc trực tiếp với người dự đại hội theo hình thức diễn đàn, để trao đổi, lắng nghe, giải trình. Nếu làm được điều đó sẽ tạo cơ chế tranh cử”.
Liên quan đến số dư, theo quy định, số dư không quá 30%, còn nếu cấp ủy giới thiệu là không quá 15%. Ông Thông cho rằng, 30% vẫn là quá ít, tính cạnh tranh thấp, cơ bản giới thiệu là trúng. Để mở rộng, cần tăng số dư lên, để trao cho đại biểu cái quyền lớn hơn. 30% khả năng lựa chọn đại biểu vẫn hạn chế”.
Điểm thứ tư là bầu trực tiếp hay không trực tiếp. Theo PGS-TS Lê Minh Thông, hiện nay, mới bầu trực tiếp bí thư ở cấp chi bộ và những nơi có điều kiện. Tuy nhiên, cần có tổng kết về đại hội bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội. Nếu bí thư do đại hội bầu thì mọi thứ sẽ khác. Như thế sẽ là người đứng đầu tổ chức đảng, vị thế sẽ rất khác. Đây là con đường chúng ta phải đi để tìm kiếm người tài trong đảng hiệu quả hơn./.
Theo Thanh Hà/VOV.VN