Nhấn mạnh ngành cơ khí là xương sống, trụ cột của nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ quyết tâm đưa nền cơ khí Việt Nam phát triển.
Sáng 24/9 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng gặp gỡ các đại biểu dự Hội nghị
Không nên "tự trói"
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành cơ khí đều đề nghị Chính phủ cần thiết kế các chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn cho ngành cơ khí; có chính sách khuyến khích nội địa hóa để các lĩnh vực sử dụng các sản phẩm cơ khí trong nước, vừa giảm chi phí, vừa tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị các bộ ngành cần có những hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ ngành cơ khí trong nước. Đây là việc rất nhiều nước áp dụng mà không trái các cam kết quốc tế. Đơn cử như nếu xuất khẩu được một chiếc ô tô vào Philippines mất 4 tháng, Thái Lan mất tới 8 tháng.
Ông Nguyễn Chí Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - hiệp hội đang có khoảng 200 thành viên là các doanh nghiệp cơ khí nhấn mạnh cần phải hỗ trợ thị trường.
"Chúng ta hiểu là đã vào WTO thì không thể phá vỡ thỏa thuận. Tuy nhiên, kể cả Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, nếu không có biện pháp bảo vệ thị trường, không có biện pháp một cách mềm dẻo thì Mỹ giờ cũng đóng cửa các ngành công nghiệp, châu Âu cũng phải đóng cửa ngành thép. Việt Nam cũng như vậy, không thể nói chúng ta tham gia vào WTO mà chúng ta không bảo hộ được thị trường trong nước. Thứ hai là Luật Đấu thầu, ai cũng hiểu mua một xe Lifan của Trung Quốc và một xe Mercedes là khác nhau, nhưng khi đấu thầu thì lại không quy định nguồn gốc xuất xứ khác nhau có hệ số giá khác nhau. Chúng ta tự trói chúng ta là phải mua hàng giá rẻ và chất lượng thấp", ông Sáng phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thể Hà, Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ, một người 40 năm làm cơ khí trong lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ khí hỗ trợ cho ngành nông nghiệp.
"Tôi tính nếu giảm tổn thất sau thu hoạch (hiện đang là 25%), giảm tất cả các chi phí thì giá lúa tiết kiệm được 2.000 đồng/kg. Nếu làm tốt thu gom rơm, chế biến gạo, sử dụng trấu, thì tiết kiệm được 2.000 đồng/kg nữa. Như vậy chúng ta có 4.000 đồng/kg lúa, đem nhân với 40 triệu tấn lúa, chúng ta có 160.000 tỉ đồng. Chỉ cần làm 25% tổn thất sau thu hoạch này thôi thì nông nghiệp sẽ phát triển lên được. Đây là điều hết sức cần thiết. Tôi là một người nông dân làm cơ khí, cho nên tôi thấy đất nước ta đủ điều kiện làm cơ khí nông nghiệp", ông Hà dẫn chứng.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị
Chính phủ, Thủ tướng "quyết chiến"
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành cơ khí là xương sống, trụ cột của nền kinh tế, nên nếu phát triển tốt cả số lượng và chất lượng thì sẽ góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam tự cường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Đánh giá cao các đại biểu đã nêu những ý kiến tâm huyết để phát triển ngành cơ khí nước nhà, Thủ tướng cho biết, Chính phủ nỗ lực để tháng 11 tới sẽ có một Nghị quyết với những giải pháp, chính sách tốt hơn cho ngành cơ khí với tầm nhìn đến năm 2035.
Thủ tướng nhắc lại, đã có một thời, ngành cơ khí của nước ta có tầm cỡ, đã từng xuất khẩu máy móc, công cụ ra nước ngoài. Điều đó cho thấy năng lực của người Việt Nam hoàn toàn phát triển được ngành cơ khí. Song do chúng ta chưa thực sự coi trọng khiến ngành không phát triển được.
Về 21.000 doanh nghiệp ngành cơ khí hiện nay, Thủ tướng đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng và vươn mình phát triển tốt, đã chế tạo được các sản phẩm phức tạp như giàn khoan, phụ tùng lắp ráp ô tô, thiết bị điện, y tế, thiết bị nông nghiệp... Đây là “đà” quan trọng để phát triển cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.
"Từ nhận thức đến hành động, tại sao có địa phương quan tâm tới thành công của lĩnh vực cơ khí, còn một số địa phương lại bỏ bẵng cơ khí? Mình không làm tràn lan nhưng mình làm trọng tâm, trọng điểm từng địa phương. Tôi tin rằng với nền tảng là 21.000 doanh nghiệp cơ khí và định hướng chiến lược mà Chính phủ đưa ra, chúng ta sẽ xây dựng được ngành cơ khí Việt Nam phát triển. Bác Bùi Thể Hà có nói Thủ tướng “quyết chiến” không? Chính phủ "quyết chiến" không” thì tôi nói là Chính phủ, Thủ tướng “quyết chiến” để đưa nền cơ khí Việt Nam tiến bước", Thủ tướng nêu rõ.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số yếu kém của ngành cơ khí nước ta, như mẫu mã, công nghệ, tổ chức thị trường chưa xứng tầm với thị trường 100 triệu dân và còn bỏ lỡ thời cơ trong hội nhập. Nhiều sản phẩm năng lực thấp, giá thành cao; nhân lực lĩnh vực cơ khí còn thiếu và yếu. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng, cho phát triển của ngành còn chậm và chưa đổi mới.
Yêu cầu các địa phương, bộ ngành phải nhận thức rõ các thách thức này, Thủ tướng cho rằng, phải có chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phát triển. Trước hết chúng ta phải có khát vọng, tâm huyết trong phát triển kinh tế Việt Nam, phát triển cơ khí Việt Nam để tăng chuỗi giá trị cơ khí toàn cầu. Như đại diện của Toyota nói, phải tăng trưởng tốt thì sản phẩm cơ khí mới tiêu thụ được. Nhà nước phải làm việc này. Đây chính là chính sách vĩ mô.
Thứ hai là chúng ta phải xác định thị trường rõ nét hơn, phân khúc thị trường trong nước ngoài nước và từ đó các chính sách vĩ mô kèm theo như thuế lãi suất để hỗ trợ ngành cơ khí được tốt hơn, nhất là chính sách thuế trong sản xuất cơ khí nội địa phải làm rõ hơn.
Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng cần có biện pháp “đi tắt, đón đầu”, phát huy lợi thế người đi sau trong phát triển công nghiệp cơ khí; tính hiệu quả, tinh sảo, hiện đại trong một số lĩnh vực là thế mạnh như cơ khí ô tô, cơ khí nông nghiệp, lắp ráp... phải được đặt ra. Trong đó, Thủ tướng tán thành với ý kiến của đại biểu về việc cần phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp.
"Tôi rất đồng ý với ý kiến công nghiệp chế biến và công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để giảm lao động nông nghiệp thì cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam ở các loại hình, địa hình là rất quan trọng. Vì sao năng suất lao động ở Việt Nam thấp, vì thế giới tính lấy GDP chia cho năng suất lao động. Trong khi lao động Việt Nam lớn như thế chia ra thì năng suất sẽ thấp. Nên muốn ít lao động thì phải cơ giới hóa, từ khâu trồng trọt đến chế biến, thu hoạch...", Thủ tướng nêu thêm
Thủ tướng cũng lưu ý cần tạo dựng thị trường cho ngành cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò "bà đỡ" thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp, lắp ráp sản phẩm cuối cùng, đặc biệt là các lĩnh vực có tiềm năng phát triển như ô tô, thiết bị công nghiệp, cơ khí gia dụng...
Thủ tướng tán thành với các đại biểu về việc cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa; đồng thời nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước để có thể tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành, thông lệ quốc tế.
Nhắc lại tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới đạt 21%, thấp hơn mức 50-60% của Thái Lan hay Singapore, Thủ tướng cho rằng, cần phát triển hệ sinh thái ngành cơ khí, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
Nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng một ngành cơ khí phát triển ngang tầm quan trọng, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp chủ động hơn trong đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, tăng tính cạnh tranh, phát triển ngành cơ khí nói riêng, công nghiệp nói chung.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp phải có khát vọng, tầm nhìn để phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Trong quá trình ấy, Chính phủ luôn đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ các doanh nghiệp./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN