Sáng 18/9/2019, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục diễn ra Phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ: Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Cụ thể, nhóm chính sách thứ nhất “Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng” gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thẩm định dự án, thiết kế xây dựng; thẩm quyền, trình tự, đối tượng cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng trong hoạt động xây dựng; hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng...
Nhóm chính sách 2 “Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng” gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: điều kiện đầu tư kinh doanh đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực xây dựng...
Nhóm chính sách 3 “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan” gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung về: quản lý đầu tư xây dựng theo nguồn vốn sử dụng; đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quy định về cấp giấy phép đối với công trình quảng cáo...
Xác định những vấn đề cấp bách cần sửa đổi
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, về phạm vi sửa đổi, bổ sung có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung; tên gọi của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay như ý kiến kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì nhận thấy Luật Xây dựng có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số văn bản đang được xây dựng mới và tiếp tục được hoàn thiện.
Hơn nữa, Luật Xây dựng có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật mới được ban hành, chưa có nhiều thời gian để đánh giá, tổng kết đầy đủ, toàn diện.
Vì vậy, trước mắt chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung Luật thực sự cấp bách, cần thiết, đã được tổng kết, đánh giá và có sự đồng thuận cao.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn liệu dự án Luật có khắc phục được những tồn tại hiện nay trong công tác đầu tư, xây dựng như xử lý công trình sai phép, thậm chí có tình trạng “phạt cho tồn tại”; chung cư cơi nới, nhà siêu mỏng…
Ông Phúc đánh giá, những nội dung sửa đổi trong dự án Luật chưa phải là những vấn đề bức xúc; vì thế, ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo, đánh giá tác động toàn diện hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, để xác định được nội dung cần sửa đổi, bổ sung thì quan trọng nhất là Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Xây dựng, từ đó đánh giá đúng thực trạng để sửa Luật.
“Tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở mức độ như thế nào, công trình xây dựng không phép, sai phép thời gian qua ra sao? Cần đánh giá kỹ thực trạng những công trình không phép, sai phép tồn tại kéo dài đồng thời đánh giá rõ trách nhiệm chủ thể, trong đó có chính quyền địa phương khi thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm,” Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng các công trình đầu tư công, công trình của Nhà nước “làm thì lâu, xuống cấp nhanh,” tình trạng “rút ruột công trình” xảy ra phổ biến... “Có lỗi gì trong Luật không, quy trình hoạt động xây dựng như thế nào mà lại để xảy ra thực tế này?” bà Nga đặt câu hỏi.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, cử tri rất kỳ vọng và quan tâm đến dự án Luật này, đặc biệt là vấn đề cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng.
“Tất cả các điều khoản trong dự án Luật từ quy trình lập thẩm định, xin giấy phép có đảm bảo giảm thủ tục hành chính, ngắn gọn, tiết kiệm, chống lãng phí như đã nêu trong nguyên tắc hay không,” bà Hải băn khoăn.
Dẫn thông tin báo chí nêu “làm doanh nghiệp mới biết thời gian làm thủ tục là vô tận,” bà Hải cho rằng, tất cả chi phí phát sinh do thời gian làm thủ tục đều đổ lên người dân.
“Một doanh nghiệp nói là công trình đầu tư xây dựng nhà 200 tỷ đồng, lãi suất vay 1,5% thì mỗi ngày trung bình phải trả 100 triệu đồng lãi suất ngân hàng. Mỗi ngày chờ đợi thêm để cấp phép thủ tục sẽ gánh thêm giá thành của nhà sau đó bán,” bà Hải nêu rõ đồng thời đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ các điều khoản trong dự án Luật này để đảm bảo rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo trật tự đô thị và các quy định khác./.
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)