Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Cụ Bùi Bằng Đoàn- nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Sáng nay (16/9), tại Hà Nội, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn sinh tháng 9/1889 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Thành phố Hà Nội). Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước đang bị xâm lược, chứng kiến phong trào Cần Vương kháng Pháp thất bại; các phong trào đấu tranh yêu nước lần lượt bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố đẫm máu, nhân dân ta lâm vào cảnh nô lệ, lầm than, chí sĩ Bùi Bằng Đoàn đã sớm tiếp thu truyền thống bất khuất của dân tộc.
Với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan của Triều đình nhà Nguyễn, đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước, đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Là người ham học, có tri thức uyên bác, năm 1906 cụ Bùi Bằng Đoàn, khi đó mới 17 tuổi đã đỗ Cử nhân. Sau đó, Cụ được nhận vào học và tốt nghiệp Thủ khoa Trường Hậu Bổ. Khi làm quan trong triều đình Huế, Cụ đảm nhận nhiều vị trí, từ Tri huyện tập sự ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đến Án sát tỉnh Lạng Sơn; Án sát tỉnh Bắc Ninh; quan Bố chính tỉnh Phúc Yên, rồi Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình v.v...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ Kỷ niệm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực. Ngay trên công đường, cụ cho treo Bảng thông báo công khai "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Điều này thể hiện rõ phẩm chất đạo đức “liêm”, “chính” của một bậc danh Nho chân chính. Đối với nhân dân, cụ Bùi Bằng Đoàn có mối quan hệ tình sâu, nghĩa nặng, bất luận trong hoàn cảnh nào, Cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân.
Năm 1925, khi đang làm tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), Cụ được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình xử vụ án Cụ Phan Bội Châu. Năm 1928, trước việc báo chí lên án mạnh mẽ tình cảnh bị bóc lột dã man của phu đồn điền ở miền Nam, Triều đình Huế đã cử Cụ Bùi Bằng Đoàn vào Nam Bộ thanh tra các đồn điền cao su của người Pháp:
“Tháng 5/1933, Cụ Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm làm Hình bộ Thượng thư, đồng thời tham gia Viện Cơ mật - cơ quan cao nhất trong hệ thống quyền lực dưới triều vua Bảo Đại. Trên cương vị mới, với sự am hiểu về luật pháp và tư tưởng tiến bộ, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã có nhiều sáng kiến cải cách tư pháp, trong đó có việc bãi bỏ những quy định không phù hợp ở các tỉnh, đạo ở Trung Kỳ. Cụ đã chỉ đạo và trực tiếp soạn thảo các bộ luật mới của triều đình nhà Nguyễn có nội dung tiến bộ, như: Luật Hình sự (ngày 3/7/1933); Quy tắc tố tụng dân sự và hình sự (ngày 2/8/1933), Luật Dân sự (tháng 7/1936, tháng 9/1939).... Đồng thời, Cụ đã cải tiến các hoạt động của Bộ Hình, đặc biệt là hoạt động của các tòa án và nhân sự theo hướng tân tiến”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), Vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ mới. Chán ghét cảnh quan trường trong thời buổi loạn lạc, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã từ chối tham gia Chính phủ mới và xin từ quan về quê nghỉ ngơi.
Với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ. Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, Cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng. Với tài năng, đức độ và tri thức uyên bác của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đảm nhiệm nhiều công việc và chức vụ quan trọng. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã trở thành một trong 10 người nằm trong Ban Cố vấn của Chính phủ mà Hồ Chí Minh đích thân đề nghị trong phiên họp của Chính phủ ngày 14/11/1945.
Vào tháng 1 năm 1946, Cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông và tháng 11 năm đó, Cụ đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ 2 tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội, thay Cụ Nguyễn Văn Tố đi nhận nhiêm vụ mới.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội - người đứng đầu cơ quan lập pháp, với sự hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, do cử tri cả nước bầu nên, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bằng kiến thức uyên bác và bản lĩnh chính trị vững vàng, Cụ đã khẳng định: “Quốc dân ta chỉ có một Chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11 năm 1946”. Lời tuyên bố đanh thép của Cụ là một đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ của chính quyền thực dân và mưu toan lập chính quyền bù nhìn thân Pháp hòng làm giảm uy tín của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm.
Trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Cụ đã có những đóng góp vào việc cải tổ nhân sự của Chính phủ; thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách ruộng đất; chỉ đạo các đoàn đại biểu khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo cuộc kháng chiến. Cụ cũng đã tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên - Việt) để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường lực lượng cách mạng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, xuất phát từ tâm nguyện đặt Tổ quốc lên trên tất cả, với tinh thần “Dĩ công vi thượng”, Cụ Bùi Bằng Đoàn - một vị quan Thượng thư trong bộ máy của triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã vượt qua những định kiến của thời cuộc để tham gia chính quyền cách mạng. Bằng tấm lòng nhiệt thành yêu nước, thương dân và sự cảm phục tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ đã đem hết sức lực, tài năng phụng sự Tổ quốc và dân tộc. Trong những năm tháng khó khăn, ác liệt của cách mạng Việt Nam, Cụ không quản ngại hy sinh, sẵn sàng đảm trách các chức vụ quan trọng. Trên bất cứ cương vị nào, Cụ cũng tận tâm, tận lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
Hoạt cảnh tái hiện cuộc đời cụ Bùi Bằng Đoàn
“Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của Cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam. Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của Cụ là tấm gương sáng để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập. Tấm gương của cụ Bùi Bằng Đoàn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, noi gương cụ Bùi Bằng Đoàn, trong mọi hoạt động và trên từng cương vị công tác, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân phải luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân và của Đảng lên trên hết; tăng cường sự đoàn kết thống nhất để giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân./.
Theo Lê Tuyết/VOV.VN