Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ cùng với Chính phủ, địa phương hỗ trợ và quảng bá các mô hình như thế này.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp, sáng 4/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác của Quốc hội đã đến dâng hương, dâng hoa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; thăm Mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình chính sách; thăm Thuận Tân Hội quán, xã Tân Thuận Tây; Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, thành phố Cao Lãnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Thuận Tân Hội quán
Phát biểu tại Thuận Tân Hội quán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chưa có một báo cáo nào lại mộc mạc, chân thực như ở Hội quán; đây là mô hình hay, độc đáo về sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nông nghiệp, nông thôn và nông dân là một trong những địa bàn quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước; mô hình của Đồng Tháp là mô hình thành công mà các tỉnh khác cần học tập và đây cũng chính là lý do mà Đồng Tháp nổi lên về phát triển nông nghiệp, lực lượng nông dân đã liên kết lại.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu Đại hội XIII của Đảng, Đồng Tháp đưa ra những bài học đã được chứng minh có hiệu quả trong cuộc sống như mô hình hội quán thì sẽ được đưa vào chủ trương của Nhà nước, để nhân rộng sang các tỉnh, thành phố khác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Quốc hội luôn quan tâm đến chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhưng trong báo cáo thẩm tra ra Quốc hội chưa có những mô hình tốt như thế này. Tôi đề nghị Ban Dân nguyện khi báo cáo trước Quốc hội cũng phải đề cập những mô hình này và Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra kinh tế xã hội của Chính phủ cũng phải đưa những mô hình phát triển kinh tế tốt ra nghị trường. Nghị quyết rất hay và đúng, nhưng để trở thành hiện thực trong cuộc sống sẽ có khoảng cách, nếu như cấp ủy chính quyền không biết áp dụng trong đời sống người dân. Nhưng trên thực tế, đã có những địa phương năng, động sáng tạo, đưa chủ trương chương của Đảng và Nhà nước áp dụng vào từng nhà, từng làng xóm.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội cũng sẽ có những chương trình cùng chung tay với Chính phủ, địa phương để quảng bá mô hình này và hỗ trợ bằng những chủ trương chính sách trong nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội thăm hợp tác xã Xoài Mỹ Xương
Bày tỏ ấn tượng với các mô hình hay của Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các mô hình hợp tác xã ở đây không chỉ làm nông nghiệp đơn thuần mà còn hướng tới gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, nhằm phục vụ lợi ích cho cộng đồng và người dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, lãnh đạo Thành phố tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra các xã trong toàn tỉnh; quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho người dân thực hiện mô hình hợp tác xã và Hội quán.
"Từ thực tiễn cuộc sống, đã đến lúc chúng ta cần hệ thống khuôn khổ pháp lý để phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Mô hình hợp tác xã khác với các mô hình khác. Trong khi đó hiện nay, chúng ta chỉ có Luật Hợp tác xã. Tôi thấy cần thiết có pháp luật riêng về hợp tác xã nông nghiệp. Đoàn đại biểu Quốc hội đưa ra và Quốc hội sẽ yêu cầu thẩm định lại, nếu cần đưa vào chương trình xây dựng pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Hiện Hợp tác xã xoài Mỹ Xương có khoảng 100 thành viên, sản xuất hơn 90 ha xoài, sản lượng khoảng 1.000 tấn mỗi năm. Thời gian qua, Hợp tác xã đã xuất khẩu xoài sang các thị trường như: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Chủ tịch Quốc hội dâng hương tại Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội đã dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ tới cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một nhà Nho yêu nước thương dân, suốt đời thanh bạch. Sinh ra và lớn lên tại Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, năm 1901, cụ đỗ Phó bảng và năm 1906 nhậm chức “Thừa biện Bộ Lễ” và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Từ quan, cụ về sinh sống tại làng Hòa An thuộc tỉnh Đồng Tháp để dạy học, bốc thuốc chữa bệnh giúp đỡ người nghèo, sống cuộc đời thanh bạch, truyền bá chủ nghĩa yêu nước và mất tại đây vào ngày 27/10/1929.
Ghi sổ lưu niệm tại khu di tích, Chủ tịch Quốc hội cho viết: “Cả nước vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ người Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng mãi nhớ ơn cụ và sẽ làm theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp”.
Chủ tịch Quốc hội thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Mẫn
Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Đinh Thị Mẫn, sinh năm 1930 ở ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ; thăm Thương binh Huỳnh Văn Bé, sinh năm 1948 ở khóm Mỹ Thuận, Thị trấn Mỹ Thọ, TP Cao Lãnh.
Chủ tịch Quốc hội và nhạc sư Vĩnh Bảo
Trước đó, chiều qua, Chủ tịch Quốc hội đến thăm nhạc sư Vĩnh Bảo, tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại Cao Lãnh, Sa Đéc. Năm 1955-1964, ông dạy đàn tranh và là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1972, ông ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam Bộ cùng GS.TS Trần Văn Khê cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris. Năm 1970-1972, ông là giáo sư thỉnh giảng đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ). Ông đã nhận giải thưởng Đào Tấn, được Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học cấp bậc Officier./.
Theo Lê Tuyết/VOV.VN