50 năm kể từ ngày Bác đi xa, những lời dạy của Người trong Di chúc vẫn còn nguyên giá trị, là động lực to lớn để thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là đảng viên trẻ tiếp tục phấn đấu, xây dựng đất nước.
Di chúc của Bác soi sáng con đường tới tương lai của dân tộc Việt Nam
Lễ kỷ niệm Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951). (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm và luôn dành những tình cảm yêu thương, ân cần, quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Bởi lẽ, theo Người, đạo đức là cái căn bản nhất của người cán bộ cách mạng: “mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không.”
Trên cơ sở tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, các giá trị tinh hoa văn hóa phương Đông và truyền thống văn hóa Việt Nam, Hồ Chí Minh đã nêu lên chuẩn mực đạo đức cách mạng, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh đến “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.”
Bằng cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.
Thực hiện lời dạy của Bác, bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, các đảng viên trẻ hôm nay đang ra sức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để trở thành những người đảng viên chân chính, mẫu mực, góp sức mình cho sự phát triển của đất nước.
50 năm qua, khắc sâu lời dạy của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn phấn đấu không ngừng.
Việc tích cực học tập đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào nếp nghĩ, thói quen, phong cách, lối sống của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, trở thành nhu cầu tự thân, là việc làm quan trọng quyết định sự trưởng thành của các thế hệ thanh niên Việt Nam.
Việc thực hiện lời dạy của Bác là một nội dung đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, chủ động hội nhập, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão, khát vọng vươn lên; xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Học Bác để “cần, kiệm, liêm, chính” từ công việc hằng ngày
Mỗi người khi đứng vào hàng ngũ của Đảng đều mang trong mình những hoài bão, lý tưởng tốt đẹp, mong muốn được đóng góp công sức của mình cho sự phát triển của Đảng, của quê hương.
Chính lý tưởng đó đã và đang thôi thúc biết bao người trẻ phấn đấu trở thành đảng viên. Đảng viên trẻ là lực lượng xung kích, tiên phong trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Mỗi đảng viên trẻ đều được kỳ vọng trở thành những tấm gương sáng, có uy tín, ảnh hưởng tích cực trong thanh thiếu nhi và xã hội.
Theo Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong, thời gian qua, những câu chuyện giản dị trong quá trình thực hiện Di chúc Bác Hồ của những đảng viên trẻ đã có sức truyền cảm hứng lớn lao, là minh chứng thuyết phục cho một thế hệ trẻ tự tin, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, với hoài bão, ước mơ cao đẹp là được cống hiến cho cộng đồng, cho Tổ quốc Việt Nam, mong muốn “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn,” khẳng định niềm tin son sắt, lòng tự hào của những người Cộng sản trẻ tuổi hôm nay với Đảng và Bác Hồ kính yêu.
[Nhiều bài học sâu sắc từ việc thực hiện Di chúc của Bác Hồ]
Trong Di chúc của Người, những điều viết về “cần, kiệm, liêm, chính” hàm chứa yêu cầu và mong mỏi về sự cần thiết phải rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, xây dựng và rèn “tứ đức” nói riêng đối với mỗi người cán bộ, đảng viên.
Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
“Cần, kiệm, liêm, chính” không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong tu dưỡng đạo đức của mỗi người cách mạng, mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức.
Vì vậy, việc thực hành “tứ đức” sẽ không chỉ giúp người cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự rèn mình, mà còn tạo ra sức mạnh mềm của cả một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ.”
Tiếp thu lời dạy của Bác, thế hệ đảng viên trẻ hôm nay luôn tích cực tu dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng để đủ phẩm chất, trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thể hiện thông qua ý thức “cần, kiệm” từ những công việc, nhiệm vụ hằng ngày.
Võ Đặng Hà Giang, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phú Hưng (thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Là một Bí thư Đoàn Thanh niên, bản thân tôi thường xuyên sắp xếp thời gian một cách tiết kiệm nhất, có lịch trình cụ thể, rõ ràng, vừa phụ giúp gia đình và hoàn thành nhiệm vụ được giao; tự xây dựng cho mình cách làm việc để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả lao động.”
Trong công việc, hoạt động thường ngày, đoàn viên, thanh niên xã Phú Hưng thường xuyên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc làm nhỏ nhất và vận động mọi người cùng thực hiện như tắt đèn, tắt máy tính và các thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng, sử dụng nước hợp lý…
Đoàn Thanh niên xã Phú Hưng cũng phát động thực hiện mô hình nuôi heo đất, tiết kiệm một ly cafe, một tờ vé số… để đóng góp quỹ giúp 6 học sinh hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp bước đến trường.
Đối với Bí thư Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông Hoàng Anh Biên, “cần, kiệm” còn là những đức tính được thể hiện qua cách làm việc khoa học, hiệu quả, sáng tạo, nỗ lực tăng năng suất lao động.
Theo anh Hoàng Anh Biên, năng suất lao động đang là điểm nghẽn lớn trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, do đó đảng viên trẻ cần tiên phong trong quá trình cải tiến lao động, tăng năng suất; đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào quá trình làm việc, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0; tối ưu hóa quá trình làm việc, cắt giảm các khâu thừa.
Bên cạnh đó, đảng viên trẻ cần đề cao chữ “liêm” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là đối với những bộ phận công tác ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, bởi đã có rất nhiều bài học về việc không giữ mình trước cám dỗ của vật chất mà nhiều cán bộ, công chức đã sa vào tham nhũng và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong công việc, người đảng viên trẻ cần có ý thức đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt” hiện nay mà Đảng, Nhà nước và xã hội đang lên án.
Để thấm nhuần và thực hiện chữ “chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo anh Hoàng Anh Biên, mỗi cán bộ, đảng viên trẻ phải có thái độ rõ ràng trước cái thiện và cái ác, có dũng khí để bảo vệ cái tốt, lên án cái xấu.
Trong công việc, cần nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình để xây dựng tập thể; đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong xã hội…
Làm việc gì cũng phải nghĩ vì đất nước, vì Tổ quốc
Đội thanh niên tình nguyện Đại học Huế tham gia làm đường giao thông nông thôn trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2018. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.”
Do đó, người đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ nói riêng phải luôn nỗ lực phấn đấu, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, “chí công vô tư.”
Thời kỳ đổi mới, hội nhập, toàn cầu hóa, quốc tế hóa đã mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên quá trình hội nhập cũng kéo theo tác động của nền kinh tế thị trường, sự du nhập của các loại hình văn hóa, lối sống thực dụng.
Mặt trái của những yếu tố đó đang từng ngày, từng giờ len lỏi vào đời sống xã hội, tác động và làm băng hoại những chuẩn mực giá trị đạo đức trong xã hội nói chung, làm suy thoái tư cách, phẩm chất đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là bộ phận đảng viên trẻ.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, phẩm chất “chí công vô tư” đóng vai trò quan trọng, là nền tảng phát huy những phẩm chất đạo đức cách mạng trong tư tưởng của Người.
“Chí công” là rất mực công bằng, công tâm. “Vô tư” là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán,” đem lòng chí công vô tư đối với người, với việc là đặt lợi ích tập thể, của Đảng, của cách mạng, của Tổ quốc lên trên hết, “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau.” Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.
Trong cuộc gặp mặt đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo lời Bác năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ mong muốn và giao nhiệm vụ, trong số đảng viên trẻ tại cuộc gặp mặt, sau này sẽ có nhiều đồng chí đứng trong hàng ngũ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
"Nhưng không phải vào Trung ương để cho oai, hay là vào Trung ương để kiếm chác cái gì, mà vào Trung ương để hy sinh, phấn đấu, để cống hiến, trưởng thành hơn nữa, làm cho Đảng ta mạnh lên, mỗi đồng chí là một hạt nhân ở trong Trung ương," Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ, để tiên phong, gương mẫu trên từng lĩnh vực, đòi hỏi mỗi đảng viên cần có đức, có tài.
"Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc, đức phải trước tiên. Đức và tài đi song song với nhau. Có đức mới có thể làm được những việc nhân nghĩa đúng đắn."
Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn đảng viên trẻ: "Đức là sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao, làm việc gì cũng phải nghĩ vì đất nước, vì Tổ quốc, đừng nghĩ đến mình."
Là thế hệ tương lai của đất nước, của Đảng, việc rèn luyện “chí công vô tư” trong đảng viên trẻ ở giai đoạn hiện nay càng trở nên quan trọng, cấp thiết.
Theo Đại úy Đào Thi Sĩ (Cục Viễn thông và Cơ yếu, Bộ Công an), để thực hiện điều này, một trong những vấn đề lớn cần chú ý đối với đảng viên trẻ, đặc biệt là những đảng viên là cán bộ, công chức, đó là “bệnh tham lam.”
“Bệnh tham lam” có biểu hiện là khi người cán bộ, đảng viên trẻ không đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên, mà chỉ tự tư, tự lợi, dùng của công làm việc tư, dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình, chỉ vun vén cho quyền lợi của bản thân, không quan tâm xem điều đó có hại cho dân, cho nước hay không, thậm chí còn chà đạp lên lợi ích của dân tộc, của nhân dân một khi bị đụng chạm đến quyền lợi của cá nhân.
Đại úy Đào Thi Sĩ cho rằng, tác hại của “bệnh tham lam” rất lớn, nó làm cho công quỹ Nhà nước bị hao mòn, khiến nhân dân căm ghét, mất lòng tin ở cán bộ, ở Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, người có đạo đức cách mạng phải quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí. Cán bộ, đảng viên, người có cương vị giữ các trọng trách càng phải nêu gương chống tham nhũng, lãng phí, biến quyết tâm chính trị chống tham nhũng của Đảng thành hành động, việc làm thiết thực và cần kíp cho mỗi đảng viên, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, củng cố sức mạnh đất nước.
50 năm kể từ ngày Bác đi xa, những lời dạy của Người trong Di chúc vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, là động lực to lớn để thế hệ trẻ Việt Nam - thế hệ mà Người đã dành nhiều tình cảm, niềm tin và sự kỳ vọng cho tương lai của nước nhà, ra sức phấn đấu, góp phần cho đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”
Đặc biệt, thanh niên là lực lượng dự bị tin cậy của Đảng, càng cần phấn đấu, rèn luyện để trở thành những đảng viên trẻ xứng đáng với lời dạy và sự kỳ vọng của Người, là thế hệ tương lai xây dựng Tổ quốc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu./.
Theo Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)