Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam sẽ luôn là người bạn chân thành, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9), tối 29/8 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tiệc chiêu đãi các Trưởng Đoàn Ngoại giao, các vị Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các quốc gia, các đối tác đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu tín nhiệm cao kỷ lục và mong các bạn quốc tế tiếp tục phối hợp, ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công trọng trách to lớn này.
Việt Nam cũng mong nhận được sự hợp tác của các thành viên ASEAN trong năm Chủ tịch 2020 để cùng hành động hướng tới thành công của Tầm nhìn ASEAN 2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.
Khát vọng về “hòa bình và thịnh vượng”
Nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý dự chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hơn bảy thập kỷ qua, muôn triệu người con đất Việt đã sát cánh bên nhau giương cao cờ đỏ sao vàng, vượt muôn vàn gian khó, đấu tranh giành độc lập, thống nhất giang sơn Tổ quốc.
Từ một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh xâm lược, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, mở rộng hội nhập quốc tế trở thành một nền kinh tế phát triển năng động, một điểm liên kết kinh tế, kết nối đa chiều trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế, đóng góp ngày càng chủ động, có trách nhiệm, tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn cầu.
Trong quá trình đó, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ hiệu quả và hỗ trợ quý báu của bạn bè, cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia và tổ chức mà các vị khách quý là đại diện có mặt hôm nay.
Dù kinh tế thế giới được phục hồi, hòa bình cơ bản được duy trì, song Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều rủi ro như chủ nghĩa bảo hộ, cọ xát thương mại, công nghệ giữa các nền kinh tế lớn và bất ổn địa - chính trị; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục nổi lên gay gắt, nhất là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng, mỗi quốc gia đều phải có trách nhiệm chung tay vun đắp cho hòa bình và cùng phát triển thịnh vượng; quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của nhau. Các tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân gặp gỡ, trò chuyện cùng các vị khách quốc tế.
“Trong không khí thắm tình hữu nghị hôm nay, tôi muốn chia sẻ: Khát vọng “độc lập, tự do” đã cháy bỏng trong suốt quá trình đấu tranh giành quyền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân chúng tôi. Ngày hôm nay, tiếp bước những thế hệ cách mạng đi trước, người dân Việt Nam đang cháy bỏng khát vọng về “hòa bình và thịnh vượng” và vững bước tiến tới “đài vinh quang” sánh vai với các cường quốc, bạn bè 5 châu, như niềm mong ước trước khi đi xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh 50 năm trước" - Thủ tướng nói.
Thời gian qua và ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ Việt Nam xác định: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, tập trung nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và của từng sản phẩm, dịch vụ; xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để có được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp trong và ngoài nước, để “mở mang sức dân” mạnh mẽ cho thực hiện khát vọng phát triển hùng cường của đất nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu tại tiệc chiêu đãi.
Thủ tướng cũng chia sẻ, sự phát triển của Việt Nam được đặt trong tổng hòa của tính bền vững, bao trùm về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tự nhiên, dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới nền kinh tế số, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 của Liên Hợp Quốc, không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng chia sẻ những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế Việt Nam, trong đó GDP năm nay ước tăng từ 6,7-7%, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng GDP cao hơn trong năm 2020.
Bên cạnh đó, các con số về đầu tư nước ngoài, xuất khẩu cũng tăng mạnh, Trong đó, tính đến tháng 8/2019, vốn FDI đăng ký đạt mức kỷ lục, gần 355 tỷ USD của 29.550 dự án, đến từ 132 quốc gia, vùng lãnh thổ; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng 2019, đạt khoảng trên 350 tỷ USD, tăng 8,3%, xuất siêu 3,5-4 tỷ USD. Đã có 9,8 triệu lượt khách quốc tế đến thăm Việt Nam, tăng gần 8%.
Việt Nam cũng chủ động đóng góp cho hòa bình khu vực, thế giới, trong đó tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 (2/2019). Từ tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực với Việt Nam. Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký 2 Hiệp định thương mại và đầu tư quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết, hài hòa với phát triển kinh tế, đời sống người dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi đều được chăm lo, nâng lên rõ rệt; đại đoàn kết dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Thủ tướng cũng vui mừng thông tin đến các vị khách quốc tế về việc quốc tế có nhiều đánh giá lạc quan về Việt Nam. Trong tháng 8 vừa qua, tổ chức Moody’s đã xếp hạng triển vọng “ổn định” cho hệ thống ngân hàng và Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế “tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á” đến 2020. Xếp hạng 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về Đổi mới sáng tạo toàn cầu, Việt Nam tăng 3 bậc, xếp 42/129.
Thủ tướng cũng thông báo đến các vị khách quốc tế, năm 2020 là năm có nhiều sự kiện trọng đại đối với Việt Nam. Đó là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ to lớn, chuẩn bị cho nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới với tăng trưởng cao trong thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21.
Đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam sẽ vinh dự đảm nhiệm 2 trọng trách quốc tế lớn là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021. Đây là niềm tự hào của khát vọng dân tộc, song cũng là trách nhiệm lớn lao mà cộng đồng quốc tế tin tưởng giao phó cho Việt Nam.
Mong muốn các vị khách quốc tế và gia đình hiểu hơn về Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tin tưởng rằng, với khát vọng và niềm tinvề một nước Việt Nam hòa bình, hội nhập mạnh mẽ, phát triển hùng cường, Việt Nam sẽ luôn là người bạn chân thành, thủy chung, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi, Trưởng đoàn ngoại giao, ông Jorge Rondón Uzcategui Đại sứ Venezuela tại Việt Nam, chúc mừng Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm trọng đại 74 năm Quốc khánh Việt Nam và cho rằng, kể từ ngày 2/9/1945, nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều hy sinh to lớn để bảo vệ những nguyên tắc thiêng liêng trong bản Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển kinh tế xã hội.
Chia sẻ với nhân dân Việt Nam về việc năm nay là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kim chỉ nam cho nhân dân Việt Nam, ông Jorge Rondón Uzcategui cho rằng, bản di chúc là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, tự do và thống nhất đất nước, cũng như những lời căn dặn của Người về việc xây dựng một chính phủ minh bạch, vững mạnh và đoàn kết, giữ vững quốc phòng an ninh và thực hiện chính sách đối ngoại tự chủ, có trách nhiệm và đoàn kết.
Ông đánh giá, Việt Nam thời gian qua, nhất là trong năm 2018, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế xã hội, như GDP đạt mức tăng trưởng 7,08%, thặng dư thương mại cao, ngành du lịch phát triển mạnh mẽ với hơn 15,5 triệu lượt du khách quốc tế. Thu hút đầu tư nước ngoài có những bước tiến đáng kể.
Trên trường quốc tế, Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại hữu nghị, hợp tác và hòa bình. Việc giành được 192 trên tổng số 193 phiếu bầu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã giúp Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, phản ánh rõ nét thành tích xuất sắc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với việc năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, khi tổ chức này đang củng cố tiến trình hội nhập và vai trò trung tâm ở khu vực Đông Nam Á, các thành viên của Đoàn Ngoại giao chúc mừng Việt Nam vì những trọng trách mới vô cùng quan trọng này, và chúc Việt Nam sẽ đạt thành công rực rỡ./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN