Chiều 17/8, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Khanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 6,87%. Trong đó, du lịch, dịch vụ tăng 6,37%. Tổng lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Hế đạt 2,49 triệu lượt khách, tăng 4,6%. Tỉnh đã tổ chức thành công Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8; Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên”; Hội nghị Xúc tiến đầu tư Công nghệ thông tin và công bố dịch vụ Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.950 tỷ đồng, bằng 43,8% kế hoạch năm, tăng 9,6% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 7 tháng đạt 4.193 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, tăng 8,7% so cùng kỳ. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm được quan tâm chỉ đạo.
Các thành viên đoàn làm việc của Quốc hội đánh giá cao kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua so với cùng kỳ năm ngoái. Các lĩnh vực như kinh tế, du lịch, thương mại, công nghiệp, xây dựng được quan tâm phát triển. Tuy nhiên, tăng trưởng GRDP vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra; việc thu hút các dự án hạ tầng chưa cao; PCI hàng năm đạt mức trung bình trong Toàn quốc; chưa có giải pháp phát triển ngành du lịch.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hướng đi của tỉnh trong thời gian qua đã đầu tư xây dựng theo lợi thế và bản sắc riêng theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”: "Thành phố Huế đã được trao tặng là thành phố văn hóa bền vững ASEAN. Năm 2016 Huế là địa phương đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu thành phố xanh Quốc gia do Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn. Trước đó, năm 2007, Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng Thành phố Huế là Thành phố Festival. Đây là những ghi nhận rất đáng trân trọng của các tổ chức quốc tế, của Chính phủ đối với sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân thành phố. Thứ hai là Thừa Thiên Huế đã chú trọng phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững đạt được kết quả khả quan".
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 4 của khu vực duyên hải miền Trung. Công tác an sinh bảo đảm, tỉ lệ chênh lệch giàu nghèo thấp, đứng thứ 8 trong cả nước. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Trên 68% dân số được tạo lập Hồ sơ sức khỏe điện tử; tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân đạt trên 98%.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phong trào “Chủ nhật Xanh”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, là điểm sáng được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen tặng.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được đẩy mạnh. Giải quyết việc làm mới cho gần 8.700 lao động; đưa 750 lao động đi làm việc nước ngoài. Các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm chăm lo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; không để xảy ra trọng án trên địa bàn.
Tỉnh cũng đã phát huy hiệu quả 4 trung tâm văn hoá, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học - công nghệ và trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước. Đặc biệt là Trung tâm y tế chuyên sâu đã khẳng định là trung tâm điều trị kỹ thuật cao và cung cấp nguồn nhân lực cho miền Trung và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có những hạn chế tồn tại cả về khách quan và chủ quan. Đó là Thừa Thiên Huế chưa thực hiện mục tiêu cơ bản để đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Quy mô kinh tế nhỏ, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chênh lệch với mục tiêu đề ra, một số dự án trọng điểm của ngành công nghiệp chậm vận hành sản xuất, điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh. Mặc dù ngân sách vượt dự toán cơ cấu nhưng nguồn thu chưa ổn định, thu nội địa cao nhưng lại chủ yếu thu từ đất, thu về các lĩnh vực kinh tế còn thấp.
Chủ tịch Quốc hội thăm bà con khu vực di dời.
Chủ tịch Quốc hội nói: "Tỉnh là vùng đất có truyền thống văn hiến, mặc dù có Đại học Huế, nhưng chất lượng nguồn lực đào tạo chưa xứng với tiềm năng; liên kết vùng còn mang tính hình thức chưa có sự phân công cụ thể giữa các địa phương. Hạ tầng phục vụ cho du lịch còn thiếu tính đồng bộ. Việc hình thành tuyến du lịch vùng và liên vùng còn chậm. Việc phát triển khu kinh tế Chân mây Lăng Cô chưa phát huy được tiềm năng. Công tác di dời dân khỏi vùng di tích bị lấn chiếm còn nhiều vướng mắc".
Nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên Huế tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ tỉnh để xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo tỉnh phải noi gương để Đảng bộ và nhân dân đồng tâm, nhất trí, hiệp lực; năng động, đoàn kết và không ngừng đổi mới, sáng tạo để quy tụ doanh nghiệp, người dân đồng thuận, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội.
"Tỉnh cần đề nghị việc tổng kết việc 10 năm thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị. Đây là vấn đề rất quan trọng, để tiếp tục đề ra những định hướng mới cho việc phát triển Thừa Thiên Huế. Nếu việc tổng kết được thực hiện trong năm nay, thì đây là định hướng lớn để tỉnh xây dựng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh trong năm 2020".
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, tỉnh Thừa Thiên Huế có những đột phá chiến lược kinh tế gắn với tái cơ cấu, nhưng phải bám sát tinh thần phát triển xanh và bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; tăng cường giám sát các dư án đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, cần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc rất riêng của Huế. Chú trọng đẩy mạnh hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá văn hóa, nhất là những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của quốc gia.
Quán triệt thực hiện tốt phương châm xây dựng Đảng là then chốt, coi trọng công tác Mặt trận tổ quốc, đoàn thể nhân dân; xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng bộ các cấp.
Với 9 đề nghị của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao cho Văn phòng Quốc hội tổng hợp để đề xuất, kiến nghị gửi sang các cơ quan của Chính phủ chỉ đạo xem xét.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với chủ trương mở rộng ranh giới thành phố Huế theo hướng hình thành đô thị trung tâm với trục cảnh quan dọc theo sông Hương nhằm có đủ không gian, diện tích để phát triển đô thị theo hướng di sản, văn hóa, cảnh quan và thân thiện môi trường.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Đề án di dân đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và thống nhất một số cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước mắt Ủy ban Tài chính-Ngân sách có ý kiến đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng. Phần kinh phí còn lại xem xét Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Di sản, nếu thấy vượt thẩm quyền của Chính phủ thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết, nếu vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội xem xét, quyết định để trong nhiệm kỳ này cố gắng thực hiện công tác di dời. Trong nhiệm kỳ 5 năm sau đó cố gắng thực hiện công tác trùng tu các hạng mục theo thứ tự ưu tiên.
Chủ tịch Quốc hội tặng quà cho người dân.
Chiều cùng ngày, tại thành phố Huế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác đã đi thăm, tặng quà và lắng nghe ý kiến một số hộ dân khu vực Thượng Thành dự kiến di dời. Tại đây, đa số hộ dân đều bày tỏ mong muốn sớm được di dời để ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với những khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con; khẳng định Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đang nỗ lực chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ cho công tác di dời.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế di dời hơn 4.200 hộ, bao gồm 2 giai đoạn, gồm: di dời, xây dựng khu tái định cư phạm vi di tích Kinh Thành Huế gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ; di dời, xây dựng khu tái định cư phạm vi các di tích Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trân Bình Đài./.
Theo Lê Tuyết/VOV.VN