Những trăn trở của nhiều đơn vị, địa phương, nhất là doanh nghiệp về hoạt động thanh tra, kiểm tra không phải không có nguyên do.
Trong tuần qua, dư luận rất quan tâm tới vụ việc một nhóm cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản hành vi või vĩnh, đòi “chung chi” tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).
Dẫu những vụ việc như thế này rất hiếm khi được phát hiện, nhưng nó cũng phần nào hé lộ phần nổi “tảng băng” của hoạt động thanh tra, rất cần đổi mới để tạo dựng một môi trường trong sạch, lành mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc tạm giữ.
Ngày 12/6, Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản vi phạm đối với đoàn thanh tra gồm 5 thành viên của Bộ Xây dựng đang thực hiện công việc ở huyện Vĩnh Tường, vì có hành vi đòi “chung chi”. Đây là đoàn đang thực hiện cuộc thanh tra nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng năm 2019. Hiện Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang thụ lý vụ việc.
Ngay sau khi có thông tin này, Bộ Xây dựng cho biết chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng để theo dõi và xử lý nghiêm các cá nhân nếu để xẩy ra sai phạm. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: Bộ không bao che, dung túng cho bất kỳ một cá nhân nào vi phạm pháp luật.
Đây không phải là vụ việc cán bộ thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật bị phát hiện đầu tiên. Trước đó, ngày 26/4, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với 5 cán bộ Thanh tra về tội nhận hối lộ.
Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, thành viên của đoàn Thanh tra tỉnh đã có hành vi đe dọa đơn vị bị thanh tra và ép buộc phải đưa tiền, để bỏ qua những sai phạm. Liên quan đến vụ việc này, cũng có 2 giám đốc doanh nghiệp bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam vì có hành vi đưa hối lộ cho đoàn cán bộ Thanh tra tỉnh.
Những nỗ lực của ngành thanh tra cũng như của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra trong việc phanh phui rất nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương là rất đáng ghi nhận. Thanh tra góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Hoạt động thanh tra, kiểm tra về bản chất là để chấn chỉnh, đề xuất xử lý những sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm ngăn chặn tham nhũng.
Thế nhưng, những trăn trở của nhiều đơn vị, địa phương, nhất là doanh nghiệp về hoạt động thanh tra, kiểm tra không phải là không có nguyên do. Vì thế, mới có câu lan truyền rằng: “Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì/Hễ có phong bì thì nói “thank you”.
Những tiêu cực của hoạt động thanh tra - “tảng băng chìm” vẫn đang âm ỉ tồn tại, khó có thể có bằng chứng xác thực để điểm mặt, chỉ tên. Có không ít vụ sai phạm lớn nhưng không phải do các đoàn thanh tra phát hiện, vì họ đã lờ đi “coi như không biết”, hoặc “phạt cho tồn tại”.
Các doanh nghiệp thường than phiền về việc mỗi năm phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí có trên 10 đoàn “ghé thăm” mỗi năm, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức. Chính vì thế, cách đây 2 năm (vào tháng 5/2017), tại cuộc gặp với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ngay tại hội nghị, trong đó yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng.
Thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trước hết cần củng cố đội ngũ làm công tác này theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được” và “cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”.
Xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động thanh tra cũng chính là phòng, chống tiêu cực, tham nhũng từ gốc, như lưu ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị ngành nội chính đầu năm nay: “Phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng”./.
Theo Mai Hồng/VOV.VN