Ông Lê Thanh Vân cho rằng "còn không ít nơi ngăn cản, né tránh, cá biệt có hiện tượng hành hung phóng viên".
Sáng 3/6, Quốc hội thảo luận về chương trình giám sát năm 2020, với 2 nội dung dự kiến về phòng, chống xâm hại trẻ em và việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên.
Ngoài 2 nội dung trên, một số đại biểu đề nghị giám sát về môi trường, y tế, báo chí...
Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Đại biểu Lê Thanh Vân - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề cập đến quyền tác nghiệp của phóng viên và cho hay "còn không ít nơi ngăn cản, né tránh, cá biệt có hiện tượng hành hung phóng viên".
Ông cũng đề cập đến trường hợp báo chí gỡ bài không rõ lý do. "Báo chí đưa tin rất trung thực về kỳ họp Quốc hội, nhưng có tin một vài tiếng sau bị gỡ, không biết đã vi phạm điều ngăn cấm nào không?", ông Vân nói và đề nghị Quốc hội cho giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động báo chí.
Ngoài ra, ông Vân cho rằng công cụ hỗ trợ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội như huy động chuyên gia, phương tiện, trưng cầu giám định... còn khiêm tốn. Ông dẫn chứng, khi giám sát về đất đai đô thị, các thành viên đoàn giám sát chỉ tiếp cận báo cáo, có sự hạn chế trong trưng dụng chuyên gia để đánh giá về khung giá đất.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương thì đề nghị giám sát chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em. Theo bà, gần đây liên tục xẩy ra các vụ xâm hại trẻ em, gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần có một cơ chế tạo tốt hơn trong lĩnh vực này.
Cũng tán thành chọn nội dung giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Lê Xuân Thân nói, "nhiều người thắc mắc tại sao chúng ta có nhiều cơ quan,từ trung ương tới cơ sở tham gia lĩnh vực này, mà tình trạng xâm phạm trẻ em vẫn diễn ra?".
Kết quả biểu quyết, gần 80% đại biểu có mặt tại hội trường đồng ý năm 2020, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo Võ Hải/VnExpress