Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã đến Thủ đô Oslo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Na Uy.
Tối 23/5 theo giờ địa phương, tức sáng sớm nay theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Gardermoen, Thủ đô Oslo, bắt đầu thăm chính thức Na Uy theo lời mời của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, từ ngày 24 đến 26/5.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Na Uy theo lời mời của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân trong chuyến đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam; Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Nguyễn Hồng Cường; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Trịnh Thị Thủy; Trợ lý Thủ tướng Chính phủ Bùi Huy Hùng. Tham gia đoàn còn có lãnh đạo một số địa phương và cơ quan khác.
Đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn tại sân bay, về phía Na Uy có Thứ trưởng Bộ ngoại giao Marianne Hagen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Nguyễn Hồng Cường và Phu nhân, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy.
Đại diện Chính phủ Na Uy đón Thủ tướng và Phu nhân tại sân bay.
Theo chương trình dự kiến, ngày 24/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Na Uy, có các cuộc gặp với Nhà vua, Chủ tịch Quốc hội Na Uy; dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy và tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Na Uy.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam-Na Uy phát triển tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Vương quốc Na Uy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống, và tăng cường quan hệ hợp tác Na Uy-Việt Nam theo hướng thực chất hơn và hiệu quả hơn.
Kể từ khi Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1971, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển. Về chính trị, hai nước đã và vẫn đang duy trì các hoạt động tiếp xúc cấp cao. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Na Uy sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021).
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy đón Thủ tướng và Phu nhân.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Na Uy năm 2018 đạt 363 triệu USD. Tháng 11/2006, Việt Nam-Na uy đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hỗ trợ hợp tác thương mại Việt Nam - Na Uy và thành lập Tổ công tác song phương, nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại – đầu tư giữa hai nước. Hiện Na Uy đang có 41 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 166 triệu USD, xếp thứ 41/130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Khoảng 40 doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong nhiều thập kỷ hợp tác, Na Uy luôn là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam trong Chương trình Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính, thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UN-REDD). Hiện nay, Na Uy tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc đổi mới, giảm nghèo và hội nhập quốc tế.
Nhìn lại hơn 4 thập kỷ qua, mối quan hệ Việt Nam-Na Uy đã phát triển lành mạnh và ổn định trên nhiều lĩnh vực. Gần nửa thập kỷ quan hệ là nền tảng vững chắc để tình hữu nghị giữa Việt Nam và Na Uy tiếp tục đơm hoa kết trái. Theo Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen, hai nước có thể hợp tác tốt hơn và hiệu quả hơn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế biển xanh và bền vững. Bởi Việt Nam và Na Uy đều có đường bờ biển dài và đã phát triển nghề cá trong nhiều thế kỷ. Hiện, Việt Nam-Na Uy đều nằm trong tốp 10 quốc gia thủy sản lớn nhất thế giới./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN