Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc.
Sáng 19/3, tại tỉnh Gia Lai diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên do Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, tỉnh Gia Lai tổ chức cùng với 224 đại biểu Già làng tiêu biểu các dân tộc khu vực Tây Nguyên, những người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết tâm thư. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.
Quyết tâm thư có 5 nội dung, bao gồm: Xây dựng và củng cố niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực vận động bà con xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người cao tuổi.
Trong 10 năm thực hiện quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên, các Già làng đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa cồng chiêng, tránh tình trạng buôn bán làm thất thoát di sản văn hóa đặc sắc; đồng thời, tích cực tham gia dạy tiếng Kinh cho con em người dân tộc và giữ đất, bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách Mặt trận, chính sách dân tộc.
Nữ già làng Ksor H’Lâm, sống tại vùng biên làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai là nữ già làng hiếm hoi ở mảnh đất Tây Nguyên, giàu lòng nhân ái, bằng kiến thức và uy tín của bản thân đã được bà con tín nhiệm, vượt qua bao tập tục để làm thủ lĩnh của làng.
Già làng Ksor H’Lâm chia sẻ về những khó khăn của mình: “Khó khăn thứ nhất là về gia đình. Mình là người nữ thì phải cơm nước, đi vận động nhiều lúc cũng thấy khó khăn. Phần là tuổi tác, bị khớp nên đi lại khó nhưng vẫn cố xoay sở được và sắp xếp gia đình. Khi nào ốm đau quá nằm liệt một chỗ thì thôi. Khi đi lại được thì có chuyện gì thì mình tới, giải quyết và giải thích cho dân”.
Còn với già làng Krung Dam Veo, ở thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai thì cho rằng, để thực hiện tốt tâm thư già làng cần phải có tình, có nghĩa với dân làng, quan tâm đến sức khỏe người cao tuổi, giáo dục con cháu, gìn giữ an ninh trật tự. Với già làng Krung Dam Veo, cái khó nhất khi thực hiện Quyết tâm thư là việc phát triển kinh tế, tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
“Khó nhất là xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn, tháo gỡ từng vấn đề một. Dân ở các vùng, các xã khác nhau phải có sự hợp lực, có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, sự hoạt động của đoàn thể, trong đó người cao tuổi phải gương mẫu” – già làng Krung Dam Veo cho biết.
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các Già làng.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các Già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong sự nghiệp đoàn kết và phát triển Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các Già làng và người cao tuổi ở Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không để tang ma kéo dài, ăn uống linh đình...
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước chống phá công cuộc đổi mới của đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; thực hiện bốn không “Không nghe, không tin, không làm theo và không sợ” kẻ xấu xúi giục, kích động.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các Già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các Già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các Già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Có tiếng nói, ý kiến đóng góp quý báu trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện ý chí làm chủ của nhân dân, là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.
“Tin tưởng rằng Khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, làm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có ý chí vững vàng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Dân tộc nào cũng có cán bộ đại diện, phát huy được truyền thống văn hoá tốt đẹp, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch, thực hiện bình đẳng và đoàn kết thực sự giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đúng với tâm niệm của các Già làng Tây nguyên đã ghi trong Quyết tâm thư đó là: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đất Tây Nguyên là đất của đất Việt Nam, người Tây Nguyên là người của người Việt Nam, Tây Nguyên vì cả nước, cả nước vì Tây Nguyên” – Chủ tịch Quốc hội cho biết./.
Theo Lê Tuyết/VOV