Thường vụ Quốc hội có ý kiến khác nhau về hai phương án xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Đề xuất sĩ quan công an, quân đội phải kê khai tài sản
Sáng 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 3 về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, hầu hết nội dung dự Luật đã được thống nhất, riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 57) vẫn còn nhiều phương án và ý kiến khác nhau như: Giải quyết tại tòa án; thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính...
Dự thảo Luật thiết kế điều khoản trên theo hai phương án. Với phương án xem xét, giải quyết tại tòa, khi người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập, cơ quan kiểm soát sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.
Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý, và ngược lại, bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát trong trường hợp người đó đã giải trình hợp lý.
"Ưu điểm của phương án này là thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước, giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật hiện hành", bà Nga nói.
Hơn nữa, theo lãnh đạo Ủy ban Tư pháp, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: QH.
Về phương án 2 (thu thuế thu nhập cá nhân), trường hợp Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế; người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Ưu điểm của phương án này là giải quyết bằng công cụ kinh tế (thuế) nên thời gian xử lý ngắn hơn, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường tòa án.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án trên là chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại Tòa án...
Theo bà Nga, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án.
"Thế nào là giải trình không hợp lý về tài sản"?
Góp ý vào các phương án trên, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc đề nghị làm rõ thế nào là giải trình không hợp lý về tài sản.
“Nguồn gốc tài sản của cán bộ, công chức là đa dạng, thậm chí nhạy cảm nhưng lại không quy định rõ thế nào là hợp lý, thế nào là không hợp lý thì khi ra toà sẽ cãi nhau rất phức tạp”, ông Chiến phát biểu.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói ông đồng tình phương án giao toà án giải quyết và tin tưởng sẽ được cử tri hoan nghênh. Nhưng ông băn khoăn về tính khả thi của quy định "đưa ra tòa" bởi thực tế, trước các kỳ đại hội, các cuộc bầu cử, đơn thư tố cáo về tài sản, thu nhập của cán bộ rất nhiều. Trong khi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập hoạt động kiêm nhiệm thì có xử lý được không?
Một lý do khác được ông Phúc đưa ra là ranh giới giữa tình và lý ở Việt Nam rất khó rạch ròi. Cấp dưới mà kiểm soát tài sản của cấp trên thì có dám ký quyết định chuyển hồ sơ ra toà án giải quyết hay không?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Giang Huy.
Từ cách tiếp cận trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị lập cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ từ Tổng cục trưởng trở lên; Tổng cục phó trở xuống thì giao cho các cơ quan hiện nay. “Nếu cơ quan này trực thuộc Quốc hội thì tốt hơn nữa, vì thuộc Chính phủ và các đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ thì khó khách quan”, ông Phúc nói.
Đáp lại ý kiến trên, bà Lê Thị Nga nói quan điểm của Đảng, Nhà nước khi xử lý vấn đề tài sản, thu nhập để phòng, chống tham nhũng là không phân biệt chức vụ, quyền hạn. “Đúng là có tâm lý (cấp dưới e ngại chuyển hồ sơ cấp trên ra toà), nhưng đã giao cho một cơ quan nào đó đứng ra khởi kiện thì phải làm”, bà Nga nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, sẽ không có phương án nào bảo đảm giải quyết hết tất cả các yêu cầu trong thực trế nên phải “so bó đũa, chọn cột cờ””.
Bà Nga điểm lại, khi Uỷ ban Tư pháp trình phương án thu thuế, đại biểu cho rằng như vậy không đảm bảo quyền tài sản cán bộ. Phương án tố tụng dân sự thì bị kêu là quá dài, biết bao giờ mới thu được tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gố. Phạt hành chính cũng không được. Vì vậy, cơ quan thẩm tra và trình dự án Luật mới hướng đến con đường hành chính tư pháp.
"Trình Bộ Chính trị cho ý kiến"
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ủng hộ phương án thu thuế thu nhập cá nhân, vì cho rằng đó là cách thức nhanh gọn và theo tinh thần cải cách Chính phủ điện tử.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với ý kiến ông Giàu. Theo ông Hiển, trường hợp tài sản, thu nhập không chứng minh nguồn gốc hợp lý thì chuyển sang cơ quan thuế. Yêu cầu nộp thuế 35% (thay vì 45% như đề xuất ban đầu của dự thảo Luật) để phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân, sau đó có thể phạt thêm 3 lần nữa vì trốn thuế, nâng tổng mức phạt lên trên 140%...
"Nếu làm nghiêm có khi thu vượt quá số tài sản, thu nhập mà anh không kê khai. Chúng ta cứ làm thế vừa chắc chắn, vừa nhẹ nhàng. Quy định sang tòa thì phức tạp ra”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu thu thuế, khi người có tài sản khiếu kiện thì vẫn phải giải quyết tại toà án.
“Thực tế thời gian qua cho thấy một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý”, bà Ngân nói.
Trong khi đó, khi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội được nghe nhiều ý kiến của người dân cho rằng không quan tâm đến quan chức bị tù bao nhiêu năm mà chỉ muốn biết trong các vụ án tham nhũng, Nhà nước đã thu hồi được tài sản chưa, thu hồi bao nhiêu?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Hoàng Phong.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, hiện có 25 nước áp dụng hình thức ra toà để giải quyết tài sản không giải trình nguồn gốc hợp lý; quy định này cũng không mâu thuẫn với các luật hiện hành.
Trước việc còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về hai phương án trên.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, dự kiến khai mạc cuối tháng 10.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Bởi đưa bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, cha mẹ ruột, anh chị em ruột... vào diện kê khai thì không chừng vi phạm pháp luật, Hiến pháp. “Người có nghĩa vụ kê khai là người có chức vụ quyền hạn, còn ông bố ở dưới quê có biết gì đâu mà bắt ông ấy kê khai”, bà Ngân dẫn chứng.
Theo Viết Tuân/VnExpress