Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngoại giao mềm dẻo sẽ tránh những bất lợi cho Việt Nam. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích của ta trên Biển Đông - trong đó có các hoạt động dầu khí - góp phần trực tiếp phản bác lại luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền.
Sáng nay (16/8), tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và chỉ đạo Phiên họp Đối ngoại Quốc hội của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, với chủ đề “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực thời gian qua có sự biến động phức tạp và nhanh hơn, tác động rất mạnh và toàn diện tới môi trường an ninh và phát triển của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới vô cùng quan trọng.
“Phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng nhanh và bền vững; lợi ích của phát triển phải tới được tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Đối với quốc phòng, an ninh, là bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh, an toàn xã hội; làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Trên mặt trận đối ngoại, đó là chủ động hội nhập sâu, rộng; đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu; tích cực đóng góp định hình luật chơi nhằm duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định phục vụ phát triển, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt đề cập tới tình hình thế giới 2 năm qua, trong bối cảnh Hoa Kỳ mới bầu cử Tổng thống, bầu cử Quốc hội và chính quyền Tổng thống Donald Trump có điều chỉnh nhiều chính sách về đối ngoại, quan hệ của Quốc hội với lưỡng viện Hoa Kỳ đã có những đột phá, phát triển mạnh mẽ, trao đổi đoàn tăng, trao đổi sâu nhiều vấn đề.
“Ngoại giao Quốc hội cho thấy là một kênh ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng như tác động tới chủ trương và chính sách của các nước nhằm tránh những bất lợi cho Việt Nam. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích của ta trên Biển Đông - trong đó có các hoạt động dầu khí, góp phần trực tiếp phản bác lại luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền.” - người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam khẳng định.
Phiên họp về Đối ngoại Quốc hội sáng 16/8
Bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc
Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình thế giới và khu vực trong những năm tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, cơ hội và thách thức đan xen, tác động toàn diện tới an ninh chính trị, tới sự ổn định và phát triển của đất nước ta, tới từng người dân và mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
“Cần xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại Quốc hội trong tổng thể hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động ngoại giao nghị viện để phục vụ và bảo đảm lợi ích của quốc gia, của dân tộc.” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Tăng cường phối hợp giữa các kênh đối ngoại, cùng với ngoại giao Nhà nước, đặc biệt là đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại Nhân dân nhằm xử lý tốt các vấn đề đối ngoại để bảo đảm phát huy tối đa và hiệu quả nhất sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại. Trọng tâm là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng có chung đường biên giới, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống; chú trọng thúc đẩy thương mại đầu tư, gia tăng điểm đồng, thu hẹp những khác biệt.
Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân để hình thành thế hệ mới bạn bè, đối tác quan tâm và gắn kết với Việt Nam, góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự tin cậy lẫn nhau để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các nước, sự hỗ trợ quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh xem triển lãm về hoạt động ngoại giao những năm qua
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương là định hướng chiến lược quan trọng đối với công cuộc đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ và nâng cao vị thế đất nước. Đặc biệt, trên các diễn đàn đa phương, cần phối hợp vận động bàn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam trúng cử và thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020…
Theo Châu Như Quỳnh/Dân trí