Ông Nguyễn Viết Chức: Tinh gọn bộ máy phải như một yêu cầu bắt buộc, không như thế không thể đổi mới, không đủ ngân sách để nuôi các bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả.
“Việc nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là hết sức cấp thiết, không thể chậm trễ hơn trong tình hình hiện nay”- ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh.
Quan tâm tới 4 phương án đề xuất đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong đề tài nghiên cứu của Ban Tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước và của MTTQ Việt Nam như là yêu cầu khách quan của sự đổi mới đất nước.
“Nó khách quan bởi sự nghiệp đổi mới đang đặt ra nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Một tổ chức chính trị xã hội quan trọng như Mặt trận không thể không đổi mới về phương thức tổ chức cũng như hoạt động của mình nhằm đáp ứng tình hình mới. Đặc biệt, nhiệm vụ giám sát và phản biện như là yêu cầu mới, có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động”- ông Chức nói.
Tinh gọn bộ máy phải như một yêu cầu bắt buộc
Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, Ban Tổ chức Trung ương đã rất đổi mới, quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6. Đổi mới làm tăng cường vai trò của Mặt trận chứ không phải làm bớt đi. Tăng cường bằng cách nào? Không phải làm cho đông hơn mà phải hiệu quả hơn. Không phải chỉ nói Mặt trận mà còn nói hệ thống các đoàn thể chính trị- xã hội.
“Đây là một đề tài khoa học chứ không phải đề án, đề tài khoa học người ta có quyền đặt ra các vấn đề rất mới. Đề tài khoa học mà cứ nói cái cũ thì không phải đề tài khoa học. Tôi thấy tinh thần của Ban Tổ chức Trung ương là đổi mới các hệ thống đoàn thể, làm sao cho hiệu quả hơn, không trùng lắp, chồng chéo nhau”- ông Chức nhận định.
Về phương án đề xuất hợp nhất 5 đoàn thể chính trị- xã hội vào Mặt trận, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, “nếu nói ngay rằng đề xuất là hợp lý thì chắc chắn sẽ bị phản đối. Nhưng tôi cho rằng cũng cần phải đánh giá các tổ chức chính trị xã hội chúng ta làm gì, có thực chất không, Đoàn đã tập trung hiệu quả được tất cả thanh niên chưa?. Nếu hợp nhất cũng phải đặt ra câu hỏi có ngăn bớt được việc chồng chéo?”.
Theo ông Chức, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là một việc lớn, có thể trong khuôn khổ một hội thảo khoa học khó có thể giải quyết được, nhưng mọi ngành, mọi cấp phải quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về tinh giản bộ máy.
“Tinh gọn bộ máy phải như một yêu cầu bắt buộc, nhất thiết phải như thế, không như thế không thể đổi mới, không đủ ngân sách để nuôi các bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Do vậy, tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 cơ quan, ban ngành nào cũng phải quán triệt. Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chứ không phải xóa cái này, xóa cái kia. Mà mục tiêu là làm bộ máy đó trơn tru, hoạt động hiệu quả hơn”- ông Chức nói.
Mặt trận không phải là “cái túi” đựng cán bộ yếu và thừa
Đổi mới tổ chức phải trên cơ sở nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận, tinh gọn bộ máy theo hướng chất lượng cán bộ cao hơn, đáng tin cậy hơn với Đảng nhưng phải có uy tín cao hơn với dân. Như vậy Mặt trận không phải là nơi tiếp nhận người yếu kém khi thực thi nhiệm vụ các cơ quan bên Đảng, đoàn thể khác, hoặc đã hết tuổi làm việc ở cơ quan Nhà nước, không phải là “ông, bà phong trào” đi vận động xuông, mà phải là những người có năng lực chuyên môn giỏi, có đạo đức tốt và đặc biệt phải có uy tín trước dân cư mình sinh sống.
“Nếu đổi mới mà không quan tâm đến chất lượng cán bộ Mặt trận theo hướng này thì không thành. Đổi mới tổ chức trước tiên phải xem quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ Mặt trận có theo tinh thần này không? Nhiều địa phương chọn người quản lý giỏi sang công tác Mặt trận vừa để công tác Mặt trận có hiệu quả, vừa là nơi sáng tạo, bồi dưỡng cán bộ, sau đó lại đưa ra ứng cử, thiết thực cho cán bộ và bộ máy trong tình hình mới.
“Điều kiện hiện nay là phải tổ chức nào, cơ quan nào cũng phải có chức năng nhiệm vụ rõ ràng, hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Sự tác động và hỗ trợ phải theo từng phương thức khác nhau, phát huy thế mạnh của từng cơ quan, tổ chức, nâng cao vị trí, vai trò nhằm bảo đảm việc thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Không lấn sân, chồng chéo, vướng chân nhau mà hiệu quả không cao”- ông Chức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Chức cũng cho rằng, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là hết sức cần thiết, đặc biệt cần thiết trong tình hình hiện nay. Đây là vấn đề lớn, cần thảo luận kỹ và lắng nghe với tinh thần cầu thị, hết sức coi trọng lý luận và thực tiễn. Phải làm cho kỹ, làm từng bước, có kiểm chứng và tổng kết rộng rãi, minh bạch ở mọi ngành, mọi cấp, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, đáp ứng nhu cầu hội nhập của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới./.
Theo Minh Hà/VOV.VN