30 năm sau sự kiện 14/3/1988, nhân dân Việt Nam vẫn khắc khoải tưởng nhớ, hướng về 64 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ Gạc Ma, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa) ghi công các chiến sĩ anh dũng hi sinh trong sự kiện 14/3/1988
Tự hào về cha và đồng đội
Ngày 12/3, bà Đỗ Thị Hà (phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hòa), vợ liệt sĩ Gạc Ma - Đinh Ngọc Doanh cùng con gái đã đến viếng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.
Dưới cái nắng chói chang, 2 mẹ con bà Hà đi quanh một vòng Khu tưởng niệm rồi dừng lại trước di ảnh liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng đồng đội đang được khắc trang trọng tại bảo tàng Khu tưởng niệm.
Nhớ lại những tháng ngày sau sự kiện 14/3/1988, bà Hà bồi hồi kể lại: “Anh Doanh lên tàu đi ra đảo được vài hôm thì gia đình nghe đài phát thanh loan báo về sự việc. Ngay sau đó, một đứa cháu trai chạy về hỏi tôi với giọng thảng thốt: ‘Có phải dượng Doanh của mình đi tàu HQ-604 không? Cháu vừa nghe tin tàu bị nạn’. Lúc ấy, tôi sửng sốt, như lịm người đi”.
Vợ liệt sĩ Gạc Ma kể, sau khi nên duyên vợ chồng, bà sinh con gái tên là Đinh Thị Mỹ Lệ. “Lúc anh mất thì con gái được khoảng 13 tháng tuổi, tên con là do anh đặt”, bà Hà xúc động.
Tâm sự với chúng tôi, chị Đinh Thị Mỹ Lệ cho biết, chị rất tự hào về cha mình cũng như các đồng đội của cha đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong sự kiện 14/3/1988. Hiện nay, chị Lệ đang làm việc cho một công ty dược tư nhân tại TP HCM.
Bà Đỗ Thị Hà (phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hòa), vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh
Nơi bồi đắp lòng yêu nước
Trước đó, vào ngày 15/7/2017, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được khánh thành giai đoạn 1 tại bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau ngày khánh thành, không ít thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma trên khắp cả nước khi đến thăm viếng đã không kìm được nước mắt vì xúc động.
Trong khuôn viên Khu tưởng niệm có một bảo tàng nhỏ trưng bày các hình ảnh, kỷ vật, di ảnh của các liệt sĩ… trong sự kiện 14/3/1988. Thân nhân các gia đình liệt sĩ trong cả nước cũng đã hiến tặng nhiều tư liệu quý để đưa vào trưng bày tại không gian bảo tàng này.
Khu tưởng niệm được xem như là một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, nơi để hướng về “64 bông hoa biển bất tử”.
Thăm Khu tưởng niệm nhân dịp tròn 30 năm sự kiện 14/3/1988, chúng tôi nhận thấy không gian nơi đây được phủ một màu xanh của cây cối, của những thảm cỏ xanh mượt từ bàn tay người.
Mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương (Hà Tĩnh) run run đặt bàn tay lên di ảnh con tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma
Theo tìm hiểu, sau ngày Khu tưởng niệm khánh thành đã có hơn 250 đoàn khách đến thăm viếng, chưa kể khách nhỏ lẻ. Trong đó, đoàn tham quan đông nhất đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) với hơn 1.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
“Một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh cũng đã đến Khu tưởng niệm tổ chức lễ kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn. Thời gian qua, 2 đơn vị du lịch cũng đã đưa khoảng 50 đoàn khách đến tham quan trong hành trình tour du lịch”, một nguồn tin thân cận cho biết.
Được biết, sáng mai 14/3, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các ngành liên quan sẽ dự lễ dâng hương, dâng hoa các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, bắc bán đảo Cam Ranh.
Theo Thủy Nguyên/Dân trí