Chiều 1/3, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018 diễn ra tại Hà Nội ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Buổi họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và đông đảo phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội.
Mở đầu buổi họp báo, thông tin về nội dung phiên họp Chính phủ đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết:
Phiên họp Chính phủ tập trung bàn 2 nội dung chính: (1) Đánh giá tình hình KT-XH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018; (2) Bàn về 05 dự án Luật (Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Dự án Luật Trồng trọt; Dự án Luật Chăn nuôi; Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; Dự án Luật Dân số).
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, tình hình đón Tết nguyên đán, Chính phủ đánh giá các cấp các ngành đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt trong việc tổ chức Tết và thực tế chúng ta đã có Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, nhân dân phấn khởi, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Các địa phương đã tổ chức chuyển quà tặng Tết của Chủ tịch nước đến gần 1,9 triệu đối tượng người có công với tổng kinh phí hơn 386 tỷ đồng; chuyển cấp phát gần 17.000 tấn gạo dịp Tết Nguyên đán theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho đối tượng chính sách và người có công. Các địa phương đã bố trí kinh phí hỗ trợ khoảng trên 2.852 tỷ đồng với 4,7 triệu suất quà để thăm hỏi, tặng quà, động viên người và gia đình có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các y bác sĩ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ trực Tết, cũng như quan tâm, hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn và Nhân dân ăn tết vui vẻ. Tình trạng chúc Tết, quà cáp giảm mạnh.
Đặc biệt, ngay sau Tết, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt các công việc với tinh thần không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Các Bộ, cơ quan, địa phương cùng các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau Tết. Các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nghiêm túc Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Công tác tổ chức lễ hội trên phạm vi toàn quốc đã được chấn chỉnh, có sự kiểm soát chặt chẽ hơn so với các năm trước; các lễ hội có hành vi phản cảm đã giảm.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, mặc dù bị ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2018 vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017, tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực trên nhiều các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với cùng kỳ:
- CPI tháng 2 tăng 0,73%, bình quân hai tháng tăng 2,90% (cùng kỳ tăng 5,12%).
- Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9%; đặc biệt là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, cao hơn mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (21,8%); xuất siêu 1,08 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu gần 50 triệu USD).
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,2% cao gấp trên 6 lần mức tăng cùng kỳ năm trước (2,4%). Trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 17,7% (cùng kỳ tăng 6,6%), sản xuất phân phối điện tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 9,3%),.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,7% (cùng kỳ tăng 5,1%).
- Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh đạt trên 2,86 triệu lượt, tăng 29,7%.
- Vốn FDI thực hiện tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 3,3%), góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 102,5%.
- Có trên 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 29,4% về số doanh nghiệp (cùng kỳ tăng 3,9%) và 29,3% về vốn đăng ký và gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
- Trong tháng 2/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam có đợt giảm điểm sâu vào đầu tháng, nhất là trong các ngày mùng 5-6/2, do tác động từ tình hình thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh và tâm lý chốt lời trước Tết của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngay sau Tết Nguyên đán, Chỉ số VN-Index đã phục hồi về mức trên 1.100 điểm, tăng nhẹ so với thời điểm đầu tháng.
- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; quốc phòng được tăng cường; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19/NQ-CP, 35/NQ-CP và Chương trình hành động của bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là các bộ, ngành cần nghiêm túc triển khai Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng kịch bản tăng tưởng, trình Chính phủ trước ngày 15/3.
Chính phủ yêu cầu đặc biệt lưu ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; phải có những chuyển biến rõ nét, thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược và xử lý nợ xấu, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn khi mà giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng và chúng ta hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ FDI, từ đầu tư gián tiếp, kiều hối, do đó cần các giải pháp cụ thể đối với vấn đề này, kể cả việc điều chỉnh lộ trình giá thị trường một cách phù hợp, đặc biệt là điện, nước, giáo dục, y tế cần được tính toán kỹ.
Chính phủ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận và cho ý kiến về 05 Dự án Luật, từng thành viên Chính phủ cần kiểm điểm xem Chính phủ, các Bộ ngành còn nợ đọng gì về thể chế, cần cải cách gì về cơ chế chính sách, hướng khắc phục ra sao, còn khó khăn vướng mắc gì cần được tháo gỡ.
Từng Bộ ngành và các địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chủ đề của năm 2018 "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để năm 2018 đất nước sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Người đứng đầu Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai và kết quả thực hiện.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc các Bộ khẩn trương chuẩn bị nội dung, chương trình để thời gian sắp tới tổ chức các Hội nghị chuyên đề bàn về những giải pháp, quyết sách chỉ đạo tầm quốc gia. Như các Hội nghị bàn các giải pháp: Thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng lao động; các giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển thị trường vốn, tài chính trong điều kiện cách mạng 4.0; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; giải pháp tích tụ, tập trung đất đai đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn…
Cũng tại phiên họp, tôi với tư cách Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 2/2018. Theo đó, từ ngày 01/01/2017 đến 28/02/2018, có tổng số 25.385 nhiệm vụ giao. Trong đó, có 13.311 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 11.148, quá hạn: 2.163); 12.074 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 11.765, quá hạn: 309 - chiếm 2,26%).
Trong tháng 2, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra 16 Bộ trong việc cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành điều kiện kinh doanh.
PV Nguyễn Hưng (Báo điện tử Zing.vn): Để xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo thì các thành viên Chính phủ phải dành nhiều thời gian cho việc chỉ đạo, điều hành. Xin được hỏi Chính phủ có khuyến khích các thành viên Chính phủ đăng ký nộp hồ sơ xét duyệt các chức danh như giáo sư, phó giáo sư hay không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Về vấn đề này, phải làm theo quy định, bảo đảm chất lượng. Nếu như lãnh đạo đó đủ điều kiện thì làm hồ sơ ứng viên, báo cáo Hội đồng, nhưng phải thực sự chất lượng. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là được tham gia nhưng phải đi vào thực chất, đó là chất lượng.
PV Hoài Thu (Báo VNExpress): Liên quan đến trạm BOT Cai Lậy, ngày 4/12/2017, Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí trạm này từ 1-2 tháng để tiếp tục làm rõ những vấn đề còn tồn tại và giao Bộ GTVT đề xuất phương án. Ngày 30/1/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Thủ tướng các phương án giải quyết. Xin hỏi Người phát ngôn Chính phủ hiện Bộ GTVT đã báo cáo phương án giải quyết trạm BOT Cai Lậy như thế nào?
Liên quan đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị tư vấn nước ngoài của Pháp cho rằng việc mở rộng sân bay về phía bắc có khu vực sân golf gây tốn kém cho thu hồi đất, ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh nên đơn vị tư vấn đề xuất nên mở rộng về phía nam. Tuy nhiên ý kiến của nhóm tư vấn nghiên cứu của TPHCM lại không đồng tình với quan điểm của đơn vị tư vấn nước ngoài và cho rằng nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc dù có hay không việc xây dựng thêm đường băng thứ ba của sân bay này. Trước những tranh cãi, ý kiến khác nhau về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xin hỏi quan điểm của Chính phủ về việc này như thế nào khi thời hạn chốt về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không còn nhiều và chúng ta phải đưa ra trong tháng 3/2018?
Liên quan đến việc phong chức danh GS, PGS, xin hỏi Bộ GD&ĐT trước thông tin số lượng ứng viên được công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trong năm 2017 tăng đột biến, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nghiêm túc xem xét và tà soát lại chất lượng GS, PGS theo quy định. Thời hạn báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2. Vậy kết quả rà soát mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã báo cáo như thế nào?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Về trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ từ ngày 17/1/2018 với những phương án khác nhau. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi đưa ra 4 phương án với những ưu điểm, hạn chế riêng và đều liên quan đến những yếu tố ban đầu của hợp đồng, sẽ có điều chỉnh về thời gian thu phí khác nhau. Ví dụ dừng thu phí thì phương án dùng nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian bao lâu, như vậy phải đàm phán với nhà đầu tư. Phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì sẽ phải theo dõi lại lượng xe, tính toán lại thời gian có bảo đảm. Hoặc phương án đặt cả 2 trạm trên Quốc lộ 1 để hoàn phần đầu tư trên Quốc lộ 1 còn trạm đặt trên tuyến tránh để hoàn phần đầu tư trên tuyến tránh… Tất cả những phương án đó đã có chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu quyết liệt và sẽ báo cáo rất sớm về những phương án tiếp theo. Trong đó có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30-100% đối với một số xã lân cận, sẽ được tính toán cụ thể để báo cáo lên Chính phủ.
Về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã thuê tư vấn độc lập. Thực chất sân bay Tân Sơn Nhất đã có quy hoạch do tư vấn Việt Nam lập, Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ. Trên cơ sở tất cả quy hoạch của các cảng hàng không trên toàn quốc thì các dự án đầu tư, trong đó có dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành, đã được Quốc hội thông qua về chủ trương, xem xét trong bối cảnh chung cả khu vực đó. Sân bay Long Thành có tác động rất lớn đến không chỉ cả khu vực đó mà còn việc phát triển và duy trì hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất trước mắt cũng như lâu dài. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT thuê tuyển tư vấn nước ngoài nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch đã được Bộ GTVT lập và trình để bảo đảm khách quan. Chúng tôi đã thực hiện và tuyển tư vấn ADPi của Pháp tổ chức nghiên cứu hết sức công phu, thảo luận nhiều lần, trong đó có cả báo cáo lên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Sau đó nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên tham gia phản biện, trong đó có cả các nhà khoa học. Cách đây 2 ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp công khai với sự tham dự của các phóng viên báo chí về nhiều ý kiến khác nhau.
Về ý kiến của TPHCM khác với nghiên cứu đề xuất của tư vấn, chúng ta phải đặt bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất trong quy hoạch phát triển chung của cả vùng và từ nay đến năm 2025 phải đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác, cũng như dự báo chung cho phát triển về hành khách, hàng hoá đến năm 2025. Tất cả những vấn đề này đã được làm rất rõ trong báo cáo tiền khả thi của cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Còn đối với sân bay Tân Sơn Nhất, phải đáp ứng nhu cầu trước mắt về vận tải cho đến năm 2025 khi chưa có sân bay Long Thành. Thứ hai vẫn phải duy trì trong tương lai mô hình này. Không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà chúng tôi đã giải thích nhiều lần, mô hình này giống như sân bay Haneda và Narita phục vụ cho khu vực Tokyo của Nhật Bản, hoặc như sân bay Don Muang và sân bay Suvarnabhumi của Bangkok, Thái Lan. Chính quyền Bangkok đã dự kiến đóng sân bay Don Muang nhưng sau 3 năm đã phải mở lại và công năng vẫn được khai thác. Ta phải xác định đến mức độ nào để hiệu quả đầu tư vừa trước mắt nhưng đến sau này vượt quá công suất thì ta dùng cả sân bay Long Thành. Phải cân đối chung cả 2 cảng hàng không. Tất cả được nghiên cứu rất kỹ của cả tư vấn trong nước và nước ngoài ADPi. Những nghiên cứu phản biện của TPHCM, chúng tôi rất hoan nghênh và tiếp thu cũng như yêu cầu tư vấn làm rõ từ dự báo hướng phát triển và cuối cùng phải kết luận quy hoạch trước kia lập có phù hợp không. Trong bối cảnh tương quan 2 sân bay, lộ trình đầu tư… thì hiệu quả cuối cùng của đồng tiền đầu tư như thế nào để phục vụ trước mắt và lâu dài.
Việc có mở rộng thêm 1 đường băng ở sân bay Tân Sơn Nhất hay không cũng đã được nghiên cứu và trả lời rất nhiều trong báo cáo tiền khả thi của cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng như trong quy hoạch. Tư vấn ADPi cũng đánh giá rất khách quan. Họ đề nghị không xây thêm đường băng thứ ba mà tận dụng 2 đường băng hiện hữu nhưng làm thêm đường lăn và làm thêm các công năng khác như nhà ga, phát triển kết nối giao thông thuận lợi cũng như phát triển ga hàng hoá, khu dịch vụ cho hàng không, các trạm sửa chữa máy bay ở phía bắc. Tức là ta vẫn tận dụng lấy đất ở phía bắc để phát triển vận tải hàng hoá thuận lợi hơn. Đấy là ý kiến rất công khai của chúng tôi. Trên cơ sở kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT, tư vấn nước ngoài sẽ tiếp tục cập nhật, tiếp thu, có ý kiến phản biện thì phải làm rõ thêm, có những ý kiến phải tiếp thu để trình lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3. Sẽ có kiến nghị rất rõ của Bộ GTVT về quan điểm và kiến nghị lực chọn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Thủ tướng cho phép Bộ GTVT thuê tư vấn nước ngoài để báo cáo, đánh giá toàn diện tác động yêu cầu của vận tải hành khách hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Và TPHCM cũng rất chủ động có nhóm nghiên cứu của Thành phố và vừa qua Thủ tướng cũng đã nghe nhóm tư vấn đó báo cáo. Quan điểm khác nhau là bình thường nhưng hồi kết thì tới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ nghe các tư vấn và Bộ GTVT báo cáo. Quan điểm của Bộ GTVT đề xuất thế nào, đánh giá thế nào, phía nam hay phía bắc, có mở đường băng thứ ba hay không thì còn phụ thuộc vào yếu tố đánh giá của các tư vấn và các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chủ quản. Sau này có kết quả thì Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ chuyển tải kết luận của lãnh đạo Chính phủ tới các cơ quan báo chí.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng: Việc xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là công việc thường niên của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. Quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét công nhận ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tiếp tục thực hiện theo Quyết định 174, Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư liên quan của Bộ GD&ĐT ban hành. Trong năm 2017 số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tăng nhiều so với những năm trước. Có nhiều lý do, thứ nhất thời gian nhận hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 kéo dài thêm 6 tháng so với năm 2016. Trong 6 tháng đó số lượng ứng viên tích luỹ đủ tiêu chuẩn được tăng lên như số bài báo, hướng dẫn thêm nghiên cứu sinh, học viên cao học… Thứ hai, số lượng ứng viên có khả năng đáp ứng đủ tiêu chuẩn hiện hành tăng lên do những năm trước đây Chính phủ có những đề án cho cán bộ giảng dạy trẻ đi học nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước như đề án 322, đề án 911 và những người này khi về nước, họ được đào tạo bài bản và trong một số năm đã tích luỹ đủ tiêu chuẩn về bài báo khoa học, công trình nghiên cứu, số giờ giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Do đó, họ có đủ điều kiện trở thành ứng viên để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Thứ ba, trong nhiều năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng viên nên số lượng cán bộ giảng dạy tại các trường đại học đã dần tích luỹ nhiều hơn những điều kiện để tham gia xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Về chất lượng các ứng viên năm 2017 so với năm 2016 nhìn chung tăng lên. Đơn cử thứ nhất mặc dù quy định hiện nay việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên tạp chí nước ngoài chưa phải là bắt buộc nhưng trong năm 2017 rất nhiều ứng viên có bào báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ví dụ năm 2016 có 2.510 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thì năm 2017 có 5.316 bài, tăng 2,1 lần so với năm 2016. Qua đó phản ánh phần nào chất lượng. Năng lực ngoại ngữ của các ứng viên được cải thiện rất nhiều, nhất là số đã được đào tạo ở nước ngoài, nhiều ứng viên thành thạo 2-3 ngoại ngữ.
Theo kết quả xét của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước thì tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 1.226/1.537 ứng viên, đạt tỷ lệ 79,76%, xấp xỉ những năm trước như năm 2016 tỉ lệ đạt 75,51%. Vừa qua dư luận có nhiều ý kiến về việc tăng đột biến ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rất nghiêm túc. Nếu ứng viên nào không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định thì kiên quyết không công nhận. Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã thành lập tổ công tác kiểm tra hồ sơ các ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 để bảo đảm khách quan trong quá trình rà soát bên cạnh hội đồng ngành, liên ngành. Đối với trường hợp có đơn thư khiếu nại tố cáo, thì xem xét giải quyết theo Luật Khiếu nại tố cáo. Bộ GD&ĐT, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đang thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả rà soát đã có báo Thủ tướng Chính phủ và trong thời gian tới Thủ tướng sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Thủ tướng rất quan tâm đến chất lượng các nhà khoa học Việt Nam. Ngay khi có ý kiến về đào tạo tiến sĩ, Thủ tướng đã chỉ đạo chấn chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với chức danh GS, PGS, chúng ta thấy rằng đây là chức danh nghề nghiệp gắn với hoạt động khoa học, giảng dạy, là đội ngũ rất quan trọng, là niềm tự hào của dân tộc. Vừa qua, sau khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, Thủ tướng đã có chỉ đạo ngày 8/2/2018 là yêu cầu Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước rà soát lại toàn bộ các ứng viên như công bố của Hội đồng.
Sau tháng 4/2016, Chính phủ mới, Quốc hội khoá 13 được kiện toàn thì tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tất cả những nhiệm vụ ban chỉ đạo của thành viên Chính phủ khoá cũ phải bàn giao và thực hiện ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới. Vì vậy, các chức danh, kể cả chức danh trong Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, cũng được kiện toàn ngay và đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ phân công.
Liên quan đến câu chuyện 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS, hôm nay Bộ GD&ĐT đã chính thức báo cáo Thủ tướng. Theo đó, có 94 ứng viên chưa đủ đề tài, chưa đủ bài báo, chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học... thì trước mắt Bộ GD&ĐT, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đánh giá.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm rất nghiêm túc, đánh giá chất lượng thực chất. Ví dụ tiêu chuẩn về giờ giảng thì phải xác định rõ ứng viên giảng ở đâu, giáo trình nào, hợp đồng giảng dạy ra sao, hợp đồng thỉnh giảng như thế nào, hợp đồng thanh lý hợp đồng thế nào, có chi tiền hay không… chứ không phải là giảng ở đây rồi viết một cái giấy ủng hộ nhà trường, không lấy tiền. Rồi khả năng ngoại ngữ thế nào, giao tiếp thế nào? Nếu chức danh được phong hàm chính thức thì đạt trình độ nào đều có tiêu chuẩn hết. Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng nêu vấn đề này và giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phải làm nghiêm túc chỉ đạo này. Thủ tướng kết luận là tới đây tại phiên họp Thường trực Chính phủ, yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo vấn đề này nhưng tinh thần phải rất rõ, barem có cái gì, đến nay cái gì thiếu, cái gì không đủ?
PV Nguyễn Tuyền (Báo Dân Trí): Vừa rồi, Sở GTVT Hà Nội có đề xuất cấm Uber, Grab tại 11 tuyến phố của Hà Nội. Xin hỏi Bộ GTVT có biết không? Quan điểm của Bộ thế nào? Xin hỏi Người phát ngôn Chính phủ đề xuất này của Sở GTVT có đúng không?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Liên quan đến việc cấm Uber, Grab ở 11 tuyến phố, về chức năng, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức giao thông trên hệ thống đường, hạ tầng đô thị. Đây là thẩm quyền, chức năng của UBND thành phố Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội sẽ giúp Thành phố làm việc này.
Loại hình Grab, Uber là loại hình vận tải ô tô chạy trên đường, có những tuyến phố cấm. Chúng ta đặt vấn đề là phải công bằng giữa các loại phương tiện. Cấm taxi có thể cấm theo giờ. Grab, Uber cũng là vận tải hành khách, Bộ GTVT chưa bao giờ nói đây không phải loại hình vận tải hành khách, chỉ khác là kết nối bằng công nghệ thôi. Cấm là cấm đơn vị vận tải chứ không cấm người cung cấp công nghệ kết nối vận tải.
Chúng ta không phân biệt đối xử xe này với xe kia, Thành phố thấy cần cấm giờ này hay giờ kia là việc của Thành phố và phù hợp với việc tổ chức giao thông của Thành phố. Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ tổ chức giao thông hợp lý, có thể giờ này, mùa này cấm, giờ kia mở là chuyện rất bình thường.
PV Đỗ Thơm (báo Đời sống và Pháp luật): Có thông tin liên quan đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong danh sách rà soát lại chức danh Giáo sư vì có đơn khiếu nại. Xin hỏi đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc khiếu nại đó cụ thể như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng: Nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, chúng tôi sẽ xử lý đúng theo Luật Khiếu nại, tố cáo, theo pháp luật của nhà nước. Nếu thụ lý được sẽ phải thụ lý.
PV Xuân Hải (báo Lao động): Liên quan đến việc lãnh đạo Công ty TNHH KL Texwell Vina, vốn Hàn Quốc, ở Trảng Bom, Đồng Nai bỗng dưng bỏ về nước trước trước dịp Tết Nguyên đán, khiến hơn 2.000 lao động bị nợ lương gần 14 tỷ, Chính phủ có biện pháp gì chỉ đạo các bộ, ngành để xử lý tình trạng trên? Trong tương lai, để không diễn ra tình trạng như vậy thì Chính phủ cần có biện pháp thế nào?
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp: Về việc công ty để nợ lương hơn 2000 công nhân, gây khó khăn cho công nhân, các cơ quan chức năng đã phối hợp thực hiện tạm ứng ngân sách, trả nửa tháng lương cho động. Tổng Liên đoàn Lao động cũng tặng tiền, quà cho người lao động của công ty trong dịp Tết.
UBND tỉnh Đồng Nai đã lập tổ công tác theo dõi sát sao xử lý việc này, trong đó Sở LĐ-TB&XH sớm có biện pháp xử lý, nhất là các chính sách về trợ cấp thất nghiệp, giới thiệu việc làm. Sở LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo các Trung tâm việc làm trực tiếp liên hệ các doanh nghiệp (DN), nhà máy trên địa bàn hỗ trợ giải quyết, tuyển dụng lao động.
Hiện tại, tổ công tác của UBND tỉnh Đồng Nai đang bám sát xử lý vụ việc. Trong trường hợp xấu nhất sẽ xử lý tài sản DN đó, tiền thu được để giải quyết nợ lương bảo hiểm.
Để hạn chế sự việc tương tự trong tương lai, trước tiên cần nâng cao sự hiểu biết chính sách luật pháp tốt hơn cho người lao động. Thực tế, Luật Lao động có quy định trách nhiệm chủ trả lương đủ, đúng hạn vào thời điểm cố định hằng tháng, nếu chậm thì phải trả lương theo lãi suất.
Thời gian tới, các cơ quan công đoàn và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp tăng cường tuyên truyền phổ biến, tư vấn luật pháp cho người lao động phát hiện sớm sai phạm, báo cơ quan chức năng xử lý.
Hiện nay, tình trạng nợ lương bảo hiểm của doanh nghiệp khá nhiều, nhưng cấp uỷ chính quyền một số nơi chưa chú ý đúng mức. Sau vụ việc như vừa qua, chúng ta cần rút kinh nghiệm, cần phải giám sát chặt chẽ hơn việc tuân thủ pháp luật lao động, thanh tra kiểm tra việc sử dụng lao động sát sao hơn…
PV Hữu Công (báo điện tử Zing.vn): Đối với vấn đề khách hàng bị mất tiền tại ngân hàng Eximbank, Ngân hàng Nhà nước có quan điểm như thế nào? Ngoài ra thì Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo như thế nào về việc phân biệt giữa khách hàng VIP và khách hàng thông thường?
Mới đây, có doanh nghiệp đề xuất xin không bán xăng E5 nữa, quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Vụ việc này diễn ra từ năm 2017, cuối 2017 cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án. Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Eximbank tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan pháp luật xử lý vụ việc. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và Eximbank là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền phải là ưu tiên hàng đầu. Qua các thông tin, chúng tôi thấy Eximbank rất tích cực trao đổi với người gửi tiền, tham gia các hướng xử lý trong khi chờ quyết định cuối cùng của cơ quan pháp luật.
Trong hoạt động của mình, các tổ chức tín dụng đều phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Chúng tôi chưa nắm được rõ các doanh nghiệp mà phóng viên vừa đề cập là doanh nghiệp nào và lý do tại sao họ không bán xăng E5 nữa. Trước hết, với chức trách, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến điều hành xăng dầu thì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo đủ lượng xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng.
Từ 1/1/2018 theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xăng E5 được bán đại trà trên toàn quốc và đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của các đầu mối cũng như các Sở Công Thương trên toàn quốc thì số lượng xăng E5 tiêu thụ tăng tương đối nhanh. Đối với các doanh nghiệp hiện nay ngừng bán như phóng viên đề cập thì quyền kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể bị lỗ, lãi hoặc có thể vì lý do nào đó. Trong chức trách của chúng tôi liên quan đến việc điều hành xăng dầu hay liên quan đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp, đề nghị phóng viên cung cấp tên doanh nghiệp đó cho chúng tôi, chúng tôi sẽ phối hợp trực tiếp với Sở Công Thương nơi doanh nghiệp kinh doanh tháo gỡ khó khăn hoặc có thể phối hợp với doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu.
PV Phạm Cường (Truyền hình Thông tấn): Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất không khuyến khích đốt vàng mã. Quan điểm của Chính phủ như thế nào?
Tại lễ hội Yên Tử, cơ quan chủ quản đã thu phí tham quan, gây dư luận trái chiều. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về việc này.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy: Như chúng ta đều biết, tập tục đốt vàng mã là một phần nghi thức gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Việc tuyên truyền, thuyết phục để người dân nhận thức về tập tục này, hạn chế trong đời sống đương đại, Bộ VHTT&DL với trách nhiệm quản lý của mình gần đây đã có nhiều quy định, văn bản hướng dẫn đề nghị người dân khi tham gia lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, lễ hội… có ý thức để hạn chế đốt vàng mã.
Như vậy, đối với công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa, tổ đình, cơ sở thờ tự về việc không đốt vàng mã tại các cơ sở này, Bộ VHTT&DL hoàn toàn đồng tình, ủng hộ quan điểm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở tôn giáo.
Đồng thời, Bộ VHTT&DL cũng có trách nhiệm tham mưu với Chính phủ trong việc hạn chế đốt vàng mã tại các lễ hội, di tích. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tại một số di tích có tình trạng đốt quá nhiều vàng mã, bị dư luận phản ứng gay gắt. Bộ VHTT&DL đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, đề xuất các quy định cụ thể. Cụ thể như tại đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh), đến nay tình trạng đốt vàng mã đã giảm đáng kể.
Cùng với đó, chính sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng mang lại hiệu quả tích cực. Do đó việc hạn chế đốt vàng mã tại các cơ sở tôn giáo, lễ hội là hoàn toàn khả thi.
Về việc thu phí di tích tại một số địa phương, căn cứ Luật Phí và Lệ phí, Nghị định 120/NĐ-CP 2016 hướng dẫn một số điều của Luật Phí và Lệ phí, Thông tư 250 năm 2016 của Bộ Tài chính… và theo rà soát mà chúng tôi nắm được, tất cả các địa phương khi có thu phí, lệ phí đều đã căn cứ các quy định nêu trên, không có việc thu phí tùy tiện. Việc điều chỉnh tăng, giảm đều có thông qua HĐND với những căn cứ cụ thể. Với việc thu phí tại Yên Tử, chúng tôi đã rà soát và được biết việc triển khai đã theo đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng việc thu phí là chủ trương chung của các địa phương để có nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều khu di tích hiện đã khang trang, đẹp đẽ hơn, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách nhờ nguồn thu phí thăm quan di tích.
Theo Chinhphu.vn