Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "cần lưu ý năm nay áp lực lạm phát sẽ lớn hơn".
Sáng 1/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Nêu lên những sức ép đối với lạm phát của năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh, cần lưu ý năm nay áp lực lạm phát sẽ lớn hơn.
Toàn cảnh phiên họp
Đánh giá về tình hình tổ chức đón Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã có trách nhiệm cao, chủ động, nỗ lực hết sức mình để chuẩn bị Tết truyền thống cho nhân dân, trong đó đã đảm bảo đủ hàng hóa và phong phú, giá cả ổn định.
Đặc biệt, công tác chăm lo Tết cho người nghèo được quan tâm ở tất cả các địa phương từ rất sớm, nhất là các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo, gia đình khó khăn ở mọi miền Tổ quốc. Chính phủ đã xuất 17.000 tấn gạo cho người dân vùng khó khăn. Không chỉ có vật chất, các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức để nhân dân vui đón Tết. Công tác an ninh trật tự trên cả nước cơ bản được đảm bảo. Một số tình trạng pháo nổ, ngộ độc rượu, cờ bạc, ẩu đả đã được phát hiện và kiểm tra xử lý nghiêm.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương và cảm ơn các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, cá nhân đã dành nhiều thời gian, vật chất, thăm hỏi động viên giúp đỡ những đối tượng khó khăn, cùng Chính phủ phục vụ Tết tốt cho nhân dân.
Đáng mừng là ngay sau nghỉ Tết, các cấp, các ngành, các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sản xuất kinh doanh đã bắt tay ngay vào việc, nông dân đã xuống đồng kịp thời vụ. Một số ngành và địa phương đã xử lý nghiêm một số công chức sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội.
Đánh giá về kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, dù tháng 2 số ngày làm việc ít, nhưng trên phạm vi quốc gia, kinh tế xã hội diễn biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tình hình tiền tệ, tỷ giá, lãi suất tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2, một tháng có nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh do Tết, tăng 0,73%.
Xuất khẩu tháng 2 tiếp tục tăng mạnh với 23,4 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn. Hai tháng đầu năm, xuất siêu 1,08 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái nước ta nhập siêu. Cùng với đó, các ngành kinh tế phát triển ổn định, như sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh; tổng cầu phục hồi tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng tốt; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 1,43 triệu lượt, tăng gần 20%, tính chung hai tháng tăng gần 30%.
Vốn FDI thực hiện đạt 1,7 tỷ USD dù được dự báo khó khăn hơn. Đặc biệt vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,25 tỷ USD, tăng trên 100%. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đầu năm, tăng gần 30% cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội được quan tâm; đã có sự phát động xây dựng nông thôn mới.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại hạn chế, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt rất thấp, hai tháng đạt gần 9% kế hoạch năm. Vốn Trung ương quản lý cũng chỉ đạt trên 8,5% kế hoạch. Đây là điều Chính phủ đã yêu cầu chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm nhưng kết quả vẫn thấp. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trong phát biểu tại phiên họp, cần nêu rõ nguyên nhân, giải pháp phải chỉ đạo quyết liệt để khắc phục.
Dù không quá lo lắng về tình hình kinh tế vĩ mô, nhưng với diễn biến của kinh tế thế giới, tình hình trong nước cũng có những yếu tố tác động, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phải chú trọng mục tiêu kiểm soát, kiềm chế lạm phát, ưu tiên ổn định vĩ mô. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần lưu ý năm nay áp lực lạm phát sẽ lớn hơn.
Trong đó áp lực từ giá dầu thô, hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, trong khi nước ta hấp thụ một lượng ngoại tệ rất lớn từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI sẽ được giải ngân; vốn đầu tư gián tiếp tăng mạnh thông qua đầu tư vào mua cổ phần. Việt Nam cũng là một trong 10 nước có kiều hối lớn nhất thế giới với 13 tỷ USD năm qua. Hiện dự trữ ngoại hối của nước ta đã là khoảng 60 tỷ USD.
Từ thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ưu tiên kiểm soát vĩ mô cần được lưu ý trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương. Tại phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần đưa ra giải pháp cụ thể, nhất là việc điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ nhạy cảm như điện, nước, giáo dục, y tế, phải được tính toán kỹ lưỡng và phải được làm tốt như công tác điều hành giá của năm 2017.
Thủ tướng cũng nêu lên thực tế nhiều nước trên thế giới đã có điều chỉnh chính sách kinh tế, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư các nước, tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài của các nước khác; tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu, dựng lại hàng rào thương mại, trong đó có nhiều mặt hàng liên quan đến Việt Nam.
Trong khi đó, việc thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài đối với nước ta vẫn rất cần thiết, nhất là những vùng khó khăn. Trong bối cảnh thế giới có sự thay đổi rất căn bản, Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta không nhận thức thì sẽ gặp khó khăn trong đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực cho phát triển. Do đó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất các giải pháp phá vỡ các rào cản để phát triển; đi liền với đó là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn và chúng ta có một số đối sách cần thiết với tình hình thế giới hiện nay để chủ động tìm nguồn lực cả trong nước và nước ngoài.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất, nhất là những địa bàn trọng điểm. Bên cạnh vấn đề kinh tế thì chú ý vấn đề xã hội, kể cả phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà dư luận xã hội quan tâm.
Cũng trong sáng nay, các thành viên Chính phủ cho ý kiến vào Dự án Luật trồng trọt, Dự án Luật Chăn nuôi; Dự án Luật Quản lý và phát triển đô thị, Dự án Luật Dân số, Dự án Luật đặc xá (sửa đổi)./.
Theo Vũ Dũng/VOV