Nhìn từ kỳ tích của ĐT U23 Việt Nam, ngẫm về công tác cán bộ. Quần chúng của ta tốt và mạnh, nhưng phải biết sử dụng họ thì mới phát huy được sức mạnh của họ
Vừa rồi đội tuyển U23 Việt làm nên kỳ tích, đã đem lại niềm vui, sự tự hào cho người dân cả nước. Nhưng chiến thắng của đội tuyển U23 cũng để lại nhiều suy ngẫm, là bài học cho nhiều người, trong đó có cả tôi. Quần chúng của ta tốt và mạnh lắm, nhưng phải biết sử dụng họ, hướng dẫn họ, giúp đỡ họ, thì chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh của từng cá nhân trong sức mạnh của cả tập thể. Năm 2018, làm được trên đà ấy, cả vấn đề quần chúng, cả đội ngũ những người lãnh đạo, chỉ đạo thì chắc chắn sẽ có nhiều thành quả- ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
“Vấp chuyện gì chứ vấp vào công tác cán bộ, sửa rất vất vả”
PV: Thưa ông, tại Hội nghị Trung ương 6, một trong những nội dung quan trọng là việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông nhìn nhận như thế nào khi đặt ra vấn đề này trong tình hình hiện nay?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi rất hoan nghênh Nghị quyết Trung ương 6 đã đặt ra nội dung tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì chúng ta trong nhiều năm đã nói nhưng không làm. Trước đây, chúng ta cũng đã có Nghị quyết, chứ không phải bây giờ mới có. Chúng ta cũng đã nói đến tinh giản, tinh gọn và phải làm cho đúng. Nhưng rõ ràng chúng ta chỉ có Nghị quyết, còn việc thực hiện chưa đúng, nên mới xảy ra dưới huyện, trên tỉnh, ở Trung ương có những chuyện sai phạm trong công tác cán bộ.
“Đừng đánh giá việc gì một cách vội vàng, đừng làm được một vài việc đã cho đó là mô hình, cái gì cũng tốt cả ” Ông Phạm Thế Duyệt |
Bây giờ đặt ra yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, cải cách hành chính, sắp xếp cán bộ là chủ trương rất đúng. Nhưng cách làm và bước đi phải hết sức bình tĩnh, làm đâu chắc đấy, phải rõ mới làm. Đừng có bao giờ đánh giá một cách vội vàng, đừng để xảy ra chuyện mới làm được một vài việc đã cho đó là mô hình, cái gì cũng tốt cả.
Tôi đã từng làm về công tác Đảng, công tác Mặt trận, công tác công Đoàn. Trước đây ở tỉnh cũng đã có mô hình Chủ tịch Mặt trận trong Thường vụ và làm cả Trưởng ban Dân vận. Thế nên, đừng cho rằng bây giờ mới nghĩ ra, bây giờ mới bắt đầu làm, mà làm cái gì phải có đánh giá, phải có sức thuyết phục.
Tôi rất mong, việc tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là đòi hỏi cấp thiết của Đảng, của dân của cả dân tộc và làm đâu phải rõ, phải chắc, phải được nhân dân thừa nhận. Đó mới là yên tâm. Làm thế nào để chọn cán bộ đúng, có năng lực, có đạo đức để kiêm nhiệm, gánh vác công việc.
Riêng tôi mạnh dạn góp ý, Bí thư tỉnh, thành phố nên kiêm Chủ tịch HĐND, vừa nâng cao được trách nhiệm đối với những lãnh đạo cao nhất, vừa có điều kiện thông qua đó, họ nghe được tiếng nói của dân để có sự lãnh đạo toàn diện. Đừng nên vội vàng đánh giá cái gì, mà phải làm thật bình tĩnh, làm đâu chắc đó, để không xảy ra va vấp. Vấp chuyện gì chứ vấp vào công tác cán bộ thì sửa rất vất vả.
“Đừng nghĩ làm công tác Đoàn rồi, làm gì cũng được”
PV: Theo ông, khó khăn lớn nhất trong việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy, tinh gọn giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ hiện nay là gì?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi lại thấy có thuận lợi lớn vì chủ trương này được hơn 4 triệu Đảng viên, toàn thể nhân dân trong và ngoài nước ủng hộ.
Chủ trương như vậy là đúng, không có điều gì phải băn khoăn, chỉ có vấn đề đội ngũ là công tác cán bộ, đội ngũ quản lý cán bộ, người đứng đầu chịu trách nhiệm về công tác cán bộ phải cho rõ ràng.
Ông Phạm Thế Duyệt (thứ 2 từ trái qua) trong một hội nghị của MTTQ Việt Nam
Tôi lấy ví dụ vụ án Trịnh Xuân Thanh, vấn đề Đinh La Thăng, hàng loạt cán bộ ngân hàng có khuyết điểm không phải trong giai đoạn ngắn mà trong nhiều năm. Vậy có ai chịu trách nhiệm không? Hay do mấy ông này tự mọc lên và khi thấy có khuyết điểm thì phải xử lý?. Tôi thấy dân đòi hỏi phải nghiêm túc hơn nữa trong vấn đề trách nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo cán bộ.
Một điểm thứ 2, tôi cũng mạnh dạn nói anh em trẻ, gánh vác nhiệm vụ là tất yếu, điều này đã làm từ trước chứ không phải bây giờ. Lúc 45-46 tuổi, tôi là Ủy viên Trung ương, 50 tuổi vào Ban Bí thư, như vậy có là trẻ không, hay bây giờ mới cần đội ngũ trẻ? Theo tôi, quan trọng là chọn sao cho đúng.
“Dân đòi hỏi phải nghiêm túc hơn nữa trong vấn đề trách nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ, đào tạo cán bộ ” |
Chọn một người thợ để làm thợ giỏi thì người đó không nhất thiết phải nhiều năm, có khi chỉ vài ba năm người ta cũng bằng một người thợ hàng chục năm vì có kỹ thuật, tay nghề, sức khỏe tốt. Nhưng lãnh đạo chỉ bảo chỉ cần học hành là làm được, tôi không tin như vậy. Tôi dám nói rằng, một số trường hợp làm như vậy nên đã bị vấp. Đó là điều phải tránh.
Thứ ba là chúng ta cũng có thể quen nếp cũ. Đoàn Thanh niên là cánh tay phải của Đảng, tôi vào Đoàn từ năm 1952 nên tôi hiểu. Đừng nghĩ cán bộ Đoàn sang Đảng làm gì cũng được, nó khác với quản lý chung. Đoàn chỉ là phong trào của tuổi trẻ, giáo dục lý tưởng cho lớp trẻ, những người thông qua công tác Đoàn còn phải được rèn dũa qua công tác cơ sở, công tác quản lý, công tác Đảng thì mới trưởng thành được. Đừng nghĩ làm công tác Đoàn rồi làm gì cũng được. Tôi nói ở đây những người làm công tác Đoàn không có gì phải chạnh lòng vì đó là điều tất nhiên.
Điều thứ 4 thì dễ hiểu, những người làm công tác tổ chức cán bộ là vấn đề then chốt nhất. Những người làm mẫu mà lại làm các hình mẫu sai thì đúc ra các sản phẩm sẽ sai, chưa nói là tiêu cực. Việc đó phải hết sức chú ý.
Nói thì rất thuận, rất dễ nhưng đi vào để xem xét, lựa chọn được cán bộ cho đúng, có đức, có tài, có khả năng vận động quần chúng, có ý thức công tác quần chúng, có tính trách nhiệm, ý thức Đảng cao thì không dễ dàng. Phải nhìn vào thực tiễn trưởng thành của người đó rồi mới đánh giá.
Trong công tác cán bộ, luân chuyển rất cần, nhưng nếu chọn cán bộ từ dưới lên, trưởng thành kinh qua các công việc ở dưới thì có phải luân chuyển không, có phải đưa trở lại dưới không? Làm sao phải đào tạo từ dưới cơ sở, khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh, quản lý hành chính ở các địa phương, tuyển chọn được những người trẻ tuổi vào các vị trí lãnh đạo ở cấp cơ sở thì rất vững vàng, lúc đưa lên trên chắc không phải đưa đi luân chuyển nơi này nơi khác. Đó là phương pháp quan trọng.
Ông Phạm Thế Duyệt trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN
Tôi nói điều trên những người làm công tác tổ chức cũng suy nghĩ, nhưng đó là chân thành từ đáy lòng và từ kinh nghiệm của tôi. Tôi cũng thường suy nghĩ công tác cán bộ là mình phải chịu trách nhiệm và phải làm như vậy.
“Làm sao để mọi người đừng ngộ nhận là vào Đảng để có địa vị”
PV: Việc xây dựng tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả chắc chắn sẽ đụng chạm đến lợi ích, quyền lợi của nhiều người. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đã nói, phải xem đây là cuộc cách mạng trọng bộ máy. Đã là cuộc cách mạng thì chắc chắn phải có sự hy sinh, một sự quyết tâm lớn thì mới có thể làm được. Thưa ông, cần phải hiểu sự hy sinh ở đây là gì?
“Có một điều nữa tôi cũng hay suy nghĩ về công tác cán bộ, là Đảng nên có phương thức lựa chọn được nhiều người có đức, có tài ngoài Đảng có thể gánh vác được công việc cho Đảng. ” Ông Phạm Thế Duyệt |
Ông Phạm Thế Duyệt: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói như vậy cũng là đòi hỏi đúng. Tôi nghĩ, đã là người lãnh đạo mà được Đảng lựa chọn mà lại cứ lấn cấn chuyện không được đề bạt là thiệt thòi, hay không được thế này thế khác là không được quan tâm thì cũng không đúng. Quan trọng làm làm sao cán bộ khi vào việc là phải làm được việc được giao, mang lại hiệu quả thiết thực, kể cả làm công tác Mặt trận, tôi nghĩ cũng phải thiết thực và có hiệu quả.
Nếu mà làm chỉ chung chung, mỗi người trong cấp ủy, mỗi lãnh đạo ngành, đơn vị mà sau một khóa không để lại dấu ấn gì, không có chuyển biến gì thì sao gọi là cán bộ tốt. Đó là chưa nói đến chuyện cán bộ hư hỏng, bị xử lý kỷ luật, bị pháp luật xử lý.
Còn một điều nữa tôi cũng hay suy nghĩ về công tác cán bộ, là Đảng nên có phương thức không chỉ đào tạo lựa chọn cán bộ trong Đảng mà phải lựa chọn được nhiều người có đức, có tài nhưng họ không phải đứng trong hàng ngũ của Đảng có thể gánh vác được công việc cho Đảng.
Còn nếu chỉ trong Đảng mới quy hoạch, thì sẽ dẫn đến hai yếu tố: Một là những người vào Đảng chưa chắc đã vì lý tưởng mà vào Đảng để thuận với quy chế, tiêu chuẩn để có cơ hội tiến thân. Với động cơ đó thì họ có là đảng viên thì quần chúng cũng không ai mến phục. Cho nên việc quy định, quy chế trong Đảng đối với Đảng viên là rất cần, nhưng làm sao để mọi người đừng ngộ nhận là vào Đảng để có địa vị.
Hai là những người đã vào Đảng rồi phải tự thấy, tự nguyên làm việc hết mình cho dân. Chế độ chính sách của Đảng có gì, mình được hưởng cái đó thì sao gọi là thiệt. Chỉ những người có động cơ không đúng thì mới suy nghĩ thiệt hơn. Tôi suy nghĩ như vậy.
PV: Thưa ông, trong thời gian qua có rất nhiều cán bộ vi phạm, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược đã bị xử lý nghiêm minh. Ông có suy nghĩ gì về việc xử lý cán bộ vi phạm và công tác cán bộ?
Ông Phạm Thế Duyệt: Chẳng phải riêng tôi mà ai cũng nghĩ phải làm theo lời Bác, có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong. Trước lúc đi xa, Bác cũng từng căn dặn việc đầu tiên phải làm là phải xây dựng chỉnh đốn Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc của Bác viết năm 1947 cũng nhấn mạnh đến việc thường xuyên phê bình và tự phê bình.
Tôi rất mong từ những kinh nghiệm này, chúng ta đừng vấp lại những khuyết điểm, thiếu sót trong việc bố trí cán bộ trong thời gian tới, để không phải xảy ra những việc đau lòng khi phải xử lý những cán bộ vi phạm, để không có những vụ án như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh…
Và như vậy, không phải chỉ riêng trong hệ thống lãnh đạo của Đảng, mà trong chính trị cũng phải như vậy, phải có quyết tâm lựa chọn cán bộ cho đúng, vì nếu lựa chọn cán bộ sai đó sẽ là tai họa, vì họ sẽ phạm tội, họ sẽ kéo lùi bước tiến, bước phát triển của đất nước.
Trong hội nhập quốc tế, ai cũng thấy rằng chúng ta chỉ có một Đảng lãnh đạo, nhưng làm sao Đảng lãnh đạo có uy tín, có đội ngũ cán bộ tốt để nhân dân yêu mến. Có như thế sự nghiệp mới thành công.
PV: Cũng qua những sự việc xảy ra trong công tác cán bộ thời gian qua, nhiều người cho rằng công tác cán bộ đang có nhiều lỗ hổng. Vậy theo ông “lỗ hổng” ở đây là gì?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi thấy Nghị quyết cũng đã chỉ rõ. Có điều Đảng là người nhận quyền lãnh đạo của mình đối với đất nước, mà đã lãnh đạo thì cán bộ là vấn đề then chốt, chủ yếu nhất. Cho nên, việc lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là rất hệ trọng, Đảng phải quan tâm thường xuyên.
“Tổ chức Đảng đánh giá cán bộ là tất nhiên nhưng nếu có nhân dân, có các tổ chức khác đánh giá thì mới có sự toàn diện và mới có thể yên tâm được. ” |
Quan tâm vấn đề phát triển đất nước, nhưng Đảng phải coi công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng là cơ bản nhất. Điều nữa là những việc làm vừa rồi có nhiều kết quả tốt, nhưng có một vế mà tôi thấy, nghĩ là tốt được thì kết quả còn to lớn. Đó là làm sao phát huy được vai trò quần chúng, vai trò giám sát không phải chỉ Quốc hội mà của tất cả nhân dân thông qua các tổ chức của mình. Các đoàn thể chính trị như MTTQ, tôi nghĩ nếu phát huy được thì chắc chắn Đảng sẽ rất thuận lợi trong vấn đề đánh giá cán bộ.
Tổ chức Đảng đánh giá là tất nhiên nhưng nếu có nhân dân, có các tổ chức khác đánh giá thì mới có sự toàn diện và mới có thể yên tâm được. Bởi vì cán bộ là của Đảng, nhưng trước hết là cán bộ mà nhân dân đặt niềm tin lo cho dân vì Đảng ta là duy nhất lãnh đạo.
“Tôi tin năm 2018 đất nước sẽ có sự phát triển rất tốt”
PV: Thưa ông, với những kết quả đạt được trong công tác cán bộ nói riêng, trong sự phát triển của đất nước nói chung, ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của đất nước trong thời gian tới?
Ông Phạm Thế Duyệt: Những kết quả đạt được của năm 2017 đã được Trung ương, các ngành, các địa phương tổng kết. Ở đâu cũng rút ra ít nhất 10 điểm tiến bộ hơn trước đây và đạt được những kết quả tốt. Năm 2018 tôi ví như năm 1988-1989, năm mà Việt Nam vẫn đứng vững, đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, bước vào thời kỳ phát triển ổn định với những thành tựu mới sau nhiều năm đổi mới.
Chúng ta rút ra được nhiều cái hay, đi vào hội nhập thế nào, phát huy các thành phần thế nào, kinh tế tư nhân phải là động lực thế nào, FDI phải lựa chọn thế nào, rồi những thành công trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, đối ngoại, tổ chức thành công hội nghị APEC… Với những nền tảng cơ sở vững chắc như vậy, tôi tin năm 2018 đất nước sẽ có sự phát triển rất tốt.
“Quần chúng của ta tốt và mạnh lắm. Người lãnh đạo biết sử dụng họ, hướng dẫn họ, giúp đỡ họ, thì chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh của họ.” Ông Phạm Thế Duyệt |
Vừa rồi đội tuyển U23 Việt làm nên kỳ tích, đã đem lại niềm vui, sự tự hào cho người dân cả nước. Nhưng chiến thắng của đội tuyển U23 cũng để lại nhiều suy ngẫm, là bài học cho nhiều người, trong đó có cả tôi. Quần chúng của ta tốt và mạnh lắm, nhưng phải biết phát huy họ. Đặc biệt người lãnh đạo sử dụng họ, hướng dẫn họ, giúp đỡ họ, thì chắc chắn sẽ phát huy được sức mạnh của từng cá nhân trong sức mạnh của cả tập thể. Năm 2018, làm được trên đà ấy, cả vấn đề quần chúng, cả đội ngũ những người lãnh đạo, chỉ đạo thì chắc chắn sẽ có nhiều thành quả.
Cũng phải nói thêm, nhìn hình ảnh người dân cả nước đoàn kết cổ vũ đội bóng, ở đâu cũng sục sôi lòng tự hào dân tộc, ở thành phố Hà Nội, TP HCM và khắp cả nước, đi đâu cũng thấy cờ Tổ quốc thì mới thấy được lòng tin của nhân dân vào Bác Hồ, vào đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đó chính là sức mạnh vô hình. Nếu biết biết gắn kết sự đoàn kết, biết phát huy sức mạnh này thì chắc chắn trong năm 2018 và các năm tiếp theo nhất định sẽ có nhiều thắng lợi lớn.
PV: Đầu Xuân năm mới, ông có lời nhắn gửi nào đến độc giả VOV.VN và người dân cả nước?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi là người con trưởng thành từ đất mỏ, gắn bó với nhân dân, với giai cấp công nhân. Nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018, tôi gửi lời kính chúc tất cả nhân dân, các đồng chí lãnh đạo, đất nước năm mới có nhiều thành tựu, đưa đất nước chúng ta nhanh chóng vượt trội lên trong ASEAN. Nếu biết phát huy sức mạnh của cả dân tộc thì sẽ có những cơ hội và các bước phát triển rất đáng mừng.
PV: Xin kính chúc ông sức khỏe và trân trọng cảm ơn ông./.
Theo VOV.VN