Đối tượng thực hiện chuyển đổi vị trí công tác là cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác tại các cơ quan, đơn vị.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 847/KH-UBND về tiếp tục thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh.
Việc thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo Kế hoạch này là bắt buộc, thường xuyên, áp dụng đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức được bố trí vào các vị trí công tác thuộc danh mục phải định kỳ chuyển đổi ở từng cơ quan, đơn vị. Đối tượng thực hiện chuyển đổi vị trí công tác là cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác tại các cơ quan, đơn vị.
Kết hợp luân chuyển với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn có nhu cầu, tỉnh Vĩnh Phúc đã khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Ảnh minh họa.
Những vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề như: Hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước; quản lý và thực hiện nghiệp vụ kế toán; quản lý công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; hoạt động thẩm định, định giá trong đấu giá; quản lý và thực hiện nghiệp vụ tín dụng tại các tổ chức tín dụng nhà nước; thẩm định và cho vay tín dụng; quản lý việc bán, khoán, cho thuê đất, tài sản trên đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; quản lý, điều hành công tác kế hoạch và đầu tư trong các cơ quan nhà nước và trong các doanh nghiệp nhà nước; quản lý và cấp phát các loại giấy đăng ký (như: đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, giấy chứng nhận, giấy phép, cấp phiếu lý lịch tư pháp); công chứng viên; quản lý xây dựng cơ bản, giải tỏa, áp giá đền bù trong giải phóng mặt bằng và quản lý dự án; quản lý, cấp phát các loại văn bằng, chứng chỉ; quản lý, cấp phát đăng ký các loại phương tiện, bằng lái xe; quản lý, đăng kiểm các loại phương tiện vận tải; quản lý thị trường; hoạt động kiểm lâm; hoạt động thanh tra; cán bộ, công chức, viên chức làm công tác phòng, chống tham nhũng, công tác tuyển dụng, đào tạo..
Bên cạnh việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, hơn hai năm qua, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh nỗ lực, quyết tâm triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Một trong những giải pháp đột phá của tỉnh là Đề án 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đặt ra nhiều mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bao quát phạm vi rất rộng, từ các cơ quan đảng, đoàn thể, các cơ quan nhà nước, đến các hội đặc thù, từ cấp tỉnh đến thôn, xóm, tổ dân phố...bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến hết năm 2017, tỉnh đã giảm 131 đầu mối là cơ quan, đơn vị; riêng cấp thôn, xã giảm gần 10 người không chuyên trách./.
Theo Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN