Tối 26/1, ông Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị, thả hoa tại bến sông Thạch Hãn và tham dự chương trình “Khúc ca hòa bình”.
Dâng hương tại đài chính Thành cổ Quảng Trị, tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống
Sau lễ dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, ông Võ Văn Thưởng tham dự chương trình “Khúc ca hòa bình”, nhân kỷ niệm 45 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Các vị lãnh đạo thả hoa tại bến Thạch Hãn tri ân các liệt sĩ
Chương trình được tổ chức tại quảng trường thị xã Quảng Trị, do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Qũy hòa bình và phát triển Việt Nam, Qũy phát triển du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội long trọng tổ chức. Tham dự chương trình còn có ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Các vị đại biểu Trung ương và địa phương tham dự chương trình Khúc ca hòa bình
Chương trình “Khúc ca hòa bình” là những hồi ức về sự kiện lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam diễn ra cách đây tròn 45 năm. Địa điểm tổ chức chương trình nằm bên dòng sông Thạch Hãn, Thành Cổ Quảng Trị- những địa danh năm xưa diễn ra cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt của quân và dân ta, năm 1972.
Chương trình mong muốn được thắp lên ngọn lửa của niềm tri ân sâu sắc, của tình yêu cuộc sống và khát vọng hòa bình bất diệt. Bên cạnh đó, chương trình “Khúc ca hòa bình” mang thông điệp về tình đoàn kết giữa các dân tộc, về chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tặng hoa cho các đơn vị hỗ trợ thực hiện chương trình
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng, uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị nhấn mạnh: Chiến tranh đi qua, những địa danh như Thành cổ Quảng Trị, Hiền Lương - Bến Hải, Cồn Tiên Dốc Miếu, Đường 9 Khe Sanh… đã trở thành di tích lịch sử cách mạng, hàng ngày đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, ngưỡng vọng.
Từ một mảnh đất bị hủy diệt hoàn toàn trong chiến tranh; phát huy truyền thống kiên cường, anh dũng trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống; được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, quân và dân trong cả nước, Quảng Trị đã vượt lên mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Kinh tế có bước tăng trưởng khá. Các vấn đề an sinh xã hội được chăm lo. An ninh quốc phòng được giữ vững. Hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Nhân dân Quảng Trị cũng như nhân dân cả nước thấu hiểu sâu sắc giá trị vĩnh hằng của hòa bình. Vì vậy, tổ chức hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không chỉ ôn lại sự kiện lịch sử diễn ra 45 năm về trước, tri ân các anh hùng, liệt sĩ mà còn chuyển tải thông điệp tôn vinh giá trị của hoà bình – độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu”.
Đồng thời, thông qua chương trình nghệ thuật để phản ánh tâm nguyện của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà về xây dựng thị xã Quảng Trị thành thành phố mang biểu tượng của hòa bình, để du khách trong và ngoài nước khi đến với Quảng Trị không chỉ chiêm nghiệm ký ức bi hùng của chiến tranh vệ quốc mà còn cảm nhận giá trị của hòa bình để cùng nâng cánh tình yêu và khát vọng dựng xây đất nước.
Tại chương trình “Khát vọng hòa bình”, những thước phim tư liệu về chiến trường Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ đã khơi dậy trong lòng người xem những kí ức khó quên.
Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ về những mẩu chuyện trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris 45 năm trước
Đặc biệt, mọi người được nghe những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, người đảm nhận vai trò Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris.
Tất cả những hình ảnh, câu chuyện về quá khứ và thực tại ở chương trình đã thể hiện khát vọng hòa bình và ước vọng của nhân dân Quảng Trị về việc xây dựng một thành phố hòa bình.
Theo Đ. Đức/Dân trí