Lãnh đạo một số địa phương đề nghị làm rõ "ai chạy chức chạy quyền và chạy ai", đồng thời tạo điều kiện cho người có tài cống hiến.
Tại hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức xây dựng Đảng ngày 19/1, lần đầu tiên Ban tổ chức Trung ương đưa ra dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ để lấy ý kiến đóng góp của đại biểu.
Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đề nghị làm rõ "ai chạy chức chạy quyền và chạy ai". Ảnh: PV
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho rằng phải đặt vấn đề "ai chạy và chạy ai?".
"Lâu nay chúng ta vẫn nói công tác cán bộ là vấn đề khó nên Ban tổ chức Trung ương cần có lời giải. Phải đánh giá cán bộ làm sao, nếu không đánh giá sẽ khó bố trí đúng được. Đánh giá cán bộ thông qua bằng cấp thì thiếu bằng cấp gì cán bộ có bằng cấp đó, nhanh lắm", Bí thư Quảng Ninh nói.
Vì vậy, theo ông Đọc nên thay đổi quy trình tuyển chọn, hướng đến số nhiều chọn số ít, tức là với một chức danh nên có nhiều ứng cử viên để lựa chọn.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng kiểm soát quyền lực và ngăn chặn chạy chức, chạy quyền là vấn đề bức thiết trong xây dựng Đảng hiện nay; việc xây dựng dự thảo nêu trên đã thể hiện quyết tâm chính trị của Ban tổ chức Trung ương trong công tác tham mưu.
Theo ông Hùng, dự thảo cần bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ, việc làm sai trái của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong tổ chức thực hiện quyền lực.
"Cần xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu. Cơ quan làm công tác cán bộ cũng phải theo dõi cán bộ thường xuyên, có hệ thống, không chờ đến khi kiểm điểm cuối năm mới kiểm tra", ông Hùng nói.
Bí thư Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tạo cơ hội để người có tài, có đức được cống hiến cho đất nước. Ảnh: PV
Lãnh đạo Tỉnh uỷ Bình Thuận cũng đề nghị, khi giới thiệu, đề cử và bổ nhiệm cán bộ, cấp có thẩm quyền phải đồng thời giải quyết năm cặp quan hệ, đó là đức và tài, bằng cấp và năng lực thực tiễn, tiêu chuẩn và cơ cấu, trách nhiệm và quyền hạn, ý kiến và kết quả biểu quyết của tập thể, cá nhân.
Theo ông, để giải quyết hài hoà các mối quan hệ nói trên thì việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ trước khi bổ nhiệm cần thực hiện theo quy trình, và lấy ít nhất từ hai người trở lên trong danh sách đã được quy hoạch.
Ngoài ra, trước khi giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ, các cơ quan cần tổ chức thi tuyển dể tạo cơ hội cho những người có triển vọng phát triển thể hiện năng lực của mình.
"Có người nói khi tổ chức cần già thì tôi còn trẻ, khi tổ chức cần trẻ thì tôi đã già, khi tổ chức cần đàn bà thì tôi lại là đàn ông, khi tổ chức cần công nông thì tôi lại là trí thức, khi tổ chức cần tri thức đáp ứng cách mạng 4.0 thì tôi nhận được thông báo 5 tháng nữa nghỉ hưu. Nghe rất xót xa. Vì vậy tôi cho rằng cán bộ nào hội đủ tiêu chí thì hãy tạo điều kiện để họ thể hiện rõ tài năng bằng phương thức thi tuyển thích hợp", ông Hùng nêu vấn đề.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Công an khẳng định việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền rất quan trọng trong công tác cán bộ. Ảnh: PV
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an (nguyên Bí thư Thành uỷ Hải Phòng) cũng nhận định, chuyên đề kiểm soát quyền lực, phòng chống chạy chức, chạy quyền là hết sức cần thiết trong công tác tổ chức cán bộ; để đấu tranh hiệu quả trong lĩnh vực này thì phải hướng tới 4 không là "không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy".
Đối với mục tiêu “không thể chạy”, ông Thành nói ngành tổ chức phải có quy chế, quy định rành mạch để không ai có thể lách hay phá rào được; để họ “không dám” thì phải xử lý nghiêm, “không muốn” thì cần có cơ chế chính sách và tạo điều kiện để cán bộ sống và làm việc được.
"Về giải pháp, nên nhận diện rõ hơn quyền lực cấp trung ương và địa phương. Phân cấp mạnh mẽ hơn, nhưng phải đi liền với kiểm tra, xác định trách nhiệm người đứng đầu; khi giao quyền mà không làm được thì phải xử lý", Thứ trưởng Công an nhấn mạnh.
Hoàng Thùy/Vnexpress