Tổ chức bộ máy hành chính từ TƯ đến cơ sở được sắp xếp, điều chỉnh theo hướng hạn chế việc thành lập mới các tổng cục, cục thuộc bộ; không duy trì cơ quan đại diện của bộ đặt tại TP.HCM...
Liên quan đến chuyện bộ máy cồng kềnh, ngân sách đang phải gồng mình để nuôi màTrưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính đã phân tích tại hội nghị quán triệt nghị quyết TƯ 6, Ban Dân nguyện cũng đã có báo cáo gửi đến QH, tập hợp nhiều ý kiến cử tri lo lắng về tình trạng này.
Hạn chế thành lập mới
Cử tri tỉnh Đắk Lắk cho rằng, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính chưa có sự đột phá, vẫn còn cồng kềnh. Việc tách và sáp nhập nhiều nhưng hiệu quả đem lại không cao và làm phình bộ máy.
Về ý kiến này, Bộ Nội vụ cho biết, mỗi nhiệm kỳ Chính phủ, Bộ có trách nhiệm tham mưu, giúp việc triển khai, đánh giá và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Đánh giá chung, qua 3 nhiệm kỳ Chính phủ (khóa 11, 12, 13), tổ chức bộ máy hành chính từ TƯ đến cơ sở đã được sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối và hợp lý hơn.
Khóa 14 (2016-2021), tổ chức bộ máy tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn.
Cụ thể đối với cơ cấu tổ chức của Chính phủ trước mắt giữ ổn định như hiện nay với 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Ngoài ra, có 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Các bộ, ngành đã đánh giá, rà soát theo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm một số yêu cầu: hạn chế việc thành lập mới các tổng cục, cục thuộc bộ; không duy trì cơ quan đại diện của bộ đặt tại TP.HCM.
Cùng với đó, quản lý chặt số lượng phòng và chi cục thuộc cục, phòng trong vụ thuộc bộ theo hướng không để cấp phòng trong vụ. Chỉ thành lập phòng trong vụ có nhiều mảng công tác hoặc khối lượng công việc lớn...
Hợp nhất một số cơ quan
Đối với tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, sẽ rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khung số lượng cơ cấu tổ chức, biên chế, cấp phó các cơ quan chuyên môn.
Đồng thời, nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau, rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Căn cứ quy định khung của Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện quyết định thành lập, hợp nhất hoặc không thành lập một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Cùng quan tâm đến tổ chức bộ máy, cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị, cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong việc tinh giản bộ máy và biên chế, đặc biệt là các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp.
Bộ Nội vụ cho biết, chủ trương về việc này là giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016. Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận rà soát các nhiệm vụ giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trên cơ sở đó xác định kinh phí để khoán hoặc hỗ trợ cho các hội tương ứng với khối lượng thực hiện nhiệm vụ được giao thay cho việc giao biên chế như hiện nay.
Theo Thanh Hằng/Vietnamnet