Lãnh đạo TP HCM cho rằng, cơ chế đặc thù cho địa phương này không ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia mà tạo ra đột phá chính sách.
Chính phủ trình hàng loạt cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM
Sáng 20/11, với tư cách khách mời, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến xuất hiện tại phiên thảo luận của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển TP HCM.
Trao đổi với báo giới bên hành lang, ông Nguyễn Thành Phong cho hay, cơ chế đặc thù không tác động đến cân đối vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra hay kế hoạch đầu tư trung hạn.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong bên hành lang Quốc hội sáng 20/11. Ảnh: Võ Hải.
Theo ông Phong, khi trình cơ chế, địa phương đã phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất 4 nhóm vấn đề về quản lý đầu tư, đất đai, tài chính ngân sách, việc ủy quyền và thu nhập cho cán bộ, công chức trên địa bàn.
"Nếu được Quốc hội thông qua thì các cơ chế đó sẽ tạo đột phá cho địa phương", ông Phong khẳng định.
Chủ tịch TP HCM cho hay, địa phương này đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia nhưng sự vượt trội đang dần mất đi, thậm chí có xu hướng tụt xuống do thành phố phát triển chậm lại. Chính vì vậy, thành phố đề xuất với Trung ương tạo chính sách đặc thù để có xung lực mới đưa quy mô tăng trưởng phát triển bền vững hơn.
"Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng của thành phố không tương xứng với tiềm năng, là do chi đầu tư phát triển liên tục bị cắt giảm, trước đây tỷ lệ ngân sách trung ương điều tiết cho thành phố là 23%, hiện nay còn 18%", ông Phong nói.
Do ngân sách bị cắt giảm, thành phố phải chủ động bằng nhiều phương thức để huy động nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai. "Việc khai thác nguồn lực đất đai được TP HCM thực hiện một cách minh bạch, tuy nhiên nếu có hành lang pháp lý thuận lợi hơn thì sẽ thêm cơ sở vững chắc cho thành phố phát triển", ông Phong nhấn mạnh.
Thu thuế tài sản để chống đầu cơ
Về đề xuất cho thành phố thí điểm thuế tài sản, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nói chính sách này giúp "chống hành vi đầu cơ đất đai".
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM. Ảnh: Võ Hải.
Ông Tuyến cho rằng, đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt đối với TP HCM và cần được đưa vào sản xuất kinh doanh để phát triển. Tuy nhiên, một số người đầu cơ, mua bán kiếm lời, không đưa nguồn lực này vào sản xuất gây lãng phí lớn hơn.
"Việc đánh thuế tài sản chủ yếu là chống đầu cơ chứ không phải nhà nước tận thu", ông nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó bí thư thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP HCM, sau 30 năm đổi mới, các cơ chế và chính sách mà Đảng, Nhà nước tạo ra cho TP HCM có “độ cứng” nhất định, cần có sự linh hoạt hơn.
Phó bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bên hành lang Quốc hội sáng 20/11. Ảnh: Võ Hải.
“Khi nói tới đột phá, cơ chế đặc thù, chính sách thí điểm, tất nhiên có độ vênh với pháp luật, nhưng đó là độ vênh cần thiết. Nếu thí điểm này thành công sẽ tạo cơ hội nhân rộng ra địa phương khác", bà Tâm nói.
Bên cạnh đó, theo Phó bí thư TP HCM, từ việc thí điểm cơ chế đặc thù sẽ có thực tiễn để đánh giá, bổ sung sửa đổi một số quy định pháp luật hiện không phù hợp, tạo động lực phát triển cho các khu vực đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo báo cáo trình Quốc hội, TP HCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cao nhất cả nước (khoảng 28%), tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương là 82%. Tuy nhiên, hiện TP HCM đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đô thị đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và khu vực. Chính phủ đề xuất gồm bốn nhóm cơ chế, chính sách cho TP HCM, trong đó có đề xuất thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trên cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố, có lộ trình, bước đi phù hợp, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi... |
Theo Võ Hải - Hoàng Thuỳ/Vietnamnet