Nâng cao chất lượng của công tác xét xử, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ thẩm phán là vấn đề Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 18/11, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đăng đàn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Nâng cao chất lượng của công tác xét xử
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt ra vấn đề liên quan đến chất lượng công tác xét xử. Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) nêu thực tế thực trạng trả hồ sơ bổ sung hồ sơ trong hình sự hay trả hồ sơ trong dân sự không ít. Điều này phản ánh hiện trạng vi phạm tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như sai sót trong công tác xét xử.
Cử tri cũng phản ánh có vụ án đang thụ lý nhưng bị đưa ra xét xử lần hai, trái với quy định điều 31 của Hiến pháp... hoặc có vụ án phải xử đi xử lại 7 lần trong gần 10 năm, đang trở lại sơ thẩm lại từ đầu, chưa biết bao giờ mới có bản án đúng luật. Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đưa ra biện pháp để giải cứu.
Trả lời về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao thừa nhận thời gian qua có một số vụ án các tòa án đã trả tới tới trả lui rất nhiều lần, cá biệt có vụ án như đại biểu nêu là trả 7 lần.
Trong năm 2017, Tòa án nhân dân Tối cao dã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án. Việc trả điều tra bổ sung là cần thiết khi xét thấy là không đủ chứng cứ tội phạm hoặc bỏ lọt tội phạm, hay có dấu hiệu để oan. Đây là một chế định luật cho phép. Thống kê năm 2017, có 145 vụ án trả điều tra bổ sung nhiều lần.
Về nguyên nhân của vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trước hết là do chất lượng điều tra, việc kéo dài thời gian không phải do tòa án.
Riêng việc trả lại hồ sơ nhiều lần là do chất lượng điều tra có vấn đề nhưng cũng có trường hợp thẩm phán không tuân thủ pháp luật, còn nể nang, thiếu bản lĩnh trong tuyên án.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng phải nâng cao chất lượng giai đoạn điều tra, truy tố. Về phía ngành Tòa án sẽ quán triệt cho các thẩm phán phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được trả hồ sơ quá nhiều lần theo quy định; trong điều kiện không đủ yếu tố kết tội thì buộc phải tuyên không đủ yếu tố kết tội.
Trong thời gian tới, việc tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hình sự mới ở cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là rất quan trọng.
Giải đáp câu hỏi về án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết Hội đồng Thẩm phán tòa tối cao đã công bố được 13 bản án lệ, khoảng 10 bản đang xin ý kiến. Dù số lượng chưa nhiều nhưng cơ sở cho việc xây dựng án lệ đã được hình thành.
Tòa án nhân dân tối cao đã có quy định quy trình thủ tục tiêu chuẩn xây dựng án lệ; thành lập Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia; có Chỉ thị trong toàn hệ thống tòa án về xây dựng án lệ, trong đó nêu rõ thẩm phán nào có bản án được đưa thành án lệ thì sẽ được khen thưởng vì tạo ra chuẩn mực pháp lý mới...
"Trong tương lai, án lệ sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn của thực tiễn. Chúng ta không phải chỉ áp dụng án lệ của Việt Nam mà còn áp dụng án lệ của thế giới" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.
Nhận định vừa qua Tòa án nhân dân tối cao đã công khai các bản án lên mạng Internet, tạo hiệu ứng tốt về phía xã hội tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn trước việc bảo đảm quyền bí mật đời tư, quyền bí mật kinh doanh, đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đưa ra các giải pháp để một mặt công khai bản án nhưng mặt khác vẫn bảo đảm quyền riêng tư của các tổ chức, cá nhân.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, việc đưa bản án lên mạng cũng là tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa án.
Thông qua đó, sẽ góp phần đề cao trách nhiệm của bản án, thẩm phán cẩn trọng hơn trong việc áp dụng pháp luập và văn phong trong bản án. Đây cũng là hoạt động giúp người dân giám sát được hoạt động của tòa án, đánh giá chất lượng thẩm phán.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Tòa án nhân dân Tối cao đã công bố 32.318 bản án. Từ tháng 9 đến nay, đã có gần 1,4 triệu lượt người dân truy cập; 5.362 ý kiến người dân góp ý cho 1.116 bản án. Đa số ý kiến đánh giá tích cực về các bản án, cũng có ý kiến góp ý về nội dung các bản án cụ thể.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết quy định có một số bản án được công khai và một số bản án không được công khai.
Các bản án không được công khai là các bản án liên quan đến vị thành niên và khi công khai phải mã hóa tên của những người liên quan như bị can, bị cáo, bên nguyên, bên bị...
Địa chỉ từ quận, huyện trở xuống được mã hóa, còn tỉnh, thành phố giữ nguyên. Nội dung vụ án và tên thẩm phán xét xử không được mã hóa để người dân giám sát. Như vậy, bí mật đời tư của người dân được bảo đảm. Đây là kinh nghiệm của một số nước được áp dụng tại Việt Nam.
Tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ thẩm phán
Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) về việc những năm gần đây, số lượng các vụ án tăng nhanh (mỗi năm tăng 8%), giải pháp nào được coi là đột phá để ngành bảo đảm tinh giản biên chế nhưng mặt khác vẫn bảo đảm chất lượng xét xử, tiến độ xét xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, năm 2012 Thường vụ Quốc hội cho biên chế ngành Tòa án là 15 nghìn người, số lượng công việc là 250.000 vụ.
Sau 5 năm, định biên vẫn vậy nhưng số vụ việc đã tăng lên 490 nghìn. Có rất nhiều địa phương cấp huyện, thẩm phán phải xét xử 18 vụ/tháng trong khi quy định chỉ là 5 vụ/tháng. Đây là áp lực lớn, dẫn đến có một số rủi ro xảy ra.
Tòa án nhân dân Tối cao đã điều chuyển tăng thêm một thẩm phán cho mỗi huyện có tỷ lệ án bình quân là 12 vụ/thẩm phán; vận động các thẩm phán nỗ lực vì trách nhiệm trước dân, trước nền công lý; tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức cho đội ngũ thẩm phán.
Tòa tối cao cũng đang xây dựng Đề án về vị trí việc làm để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ năm 2016, ngành Tòa án đã dừng việc tuyển chọn, không thêm bất cứ biên chế nào và hiện đang đề xuất Thường vụ Quốc hội cho phép tăng định biên số lượng thẩm phán hơn 6.000 người, tùy theo các địa phương - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói.
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 18/11, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến nguyên tắc tranh tụng và vai trò của án lệ; việc đề xuất dừng tổ chức các phiên toà lưu động; giải pháp để hạn chế các vụ án oan sai, kéo dài.../.
Theo TTXVN