Nước lũ trên các sông tại Thanh Hoá vẫn đang lên rất nhanh, trong ngày mai có thể sẽ vượt lũ lịch sử 1980.
Tại cuộc họp khẩn ứng phó với mưa lớn và xả lũ hồ Hoà Bình chiều nay, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc TT Dự báo Khí tượng thuỷ văn TƯ cho biết, do tác động của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu áp thấp, đêm nay và ngày mai, khắp Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá - Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm. Riêng vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 150mm.
Lưu lượng nước về hồ Hoà Bình đang ở mức cao chưa từng có 15.000m3/s, buộc thuỷ điện phải xả 7 cửa (đóng 1 cửa lúc 13h45) nên dự báo trong ngày mai, lũ trên các sông ở Thanh Hoá sẽ lên rất nhanh.
Cụ thể trên sông Mã sẽ lên vượt BĐ3 1m, tương đương với lũ lịch sử năm 1980 và dự báo có thể lên nữa.
Nước lũ trên các sông tại Thanh Hoá đang lên rất nhanh. Trong ảnh, làng Đầm, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá đang ngập chìm trong biển nước
“Nếu lũ tiếp tục lên, lần đầu tiên chúng tôi có thể phải đưa ra mức cảnh báo do mưa lũ cấp độ 4”, ông Cường nói và cho biết lũ năm 2007 tại Thanh Hoá thấp hơn trận lịch sử 1980 nhưng đã gây thiệt hại rất lớn.
Tại miền Bắc, dự báo lũ trên sông Thao, sông Hoàng Long cũng vượt BĐ3 0,7m. Lũ trên sông Hồng đến trưa mai sẽ lên 10m, vượt BĐ1 0,5m nên các tỉnh gần cửa biển như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên cần hết sức lưu ý.
Ông Cường cho biết, từ chiều mai mưa sẽ giảm dần và ngắt quãng khoảng 3 ngày, sau đó đến ngày 15-16/10, khi không khí lạnh mạnh dồn xuống, các khu vực này sẽ lại tiếp tục có mưa to.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, mưa lũ đang diễn ra tại Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc là chưa từng có trong tiền lệ. Đây cũng là lần đầu tiên, BCĐ TƯ PCTT đặt một tổ công tác chỉ đạo trực tiếp tại hồ Hoà Bình.
Nếu tính từ tháng 8 đến nay, lượng mưa tại các tỉnh miền núi phía bắc có nơi đã gấp 1,5-2 lần, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cực kỳ lớn. Cùng lúc đó, gần 3.000 hồ thuỷ điện, trong đó có 286 hồ lớn từ Hà Tĩnh trở ra đã tích đầy nước, tạo ra bối cảnh cực kỳ nguy hiểm.
“Giờ chỉ có 2-3 ngày cắt mưa, nhưng ngay sau đó bão số 11 sẽ vào thì chưa biết tình hình sẽ thế nào”, Bộ trưởng lo lắng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp khẩn chiều nay
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tình hình mưa lũ đang rất nghiêm trọng, các địa phương phải song song ứng phó với hiện tại và đợt bão sắp diễn ra.
Phó Thủ tướng yêu cầu UB TKCN và BCĐ TƯ PCTT chủ động sơ tán dân tại các khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực trũng thấp, ven sông có nguy cơ ngập úng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Đây là nhiệm vụ số 1.
“Các địa phương tập trung lực lượng, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ kịp thời lương thực, thuốc men, không để người dân bị đói, bị bệnh và tiếp cận các khu vực bị cô lập”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ông cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN&PTNT vận hành an toàn hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, trong đó số lượng hồ nhỏ đắp đất, chất lượng kém rất nhiều đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện; Bộ GTVT phải khắc phục các tuyến đường sạt lở, chia cắt, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet