Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp bất thường cuối tháng 2 tới, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi gần 300 luật liên quan tới tổ chức bộ máy phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.
Sáng 6.1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 41. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, một trong nội dung của phiên họp là cho ý kiến chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 2 tới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ẢNH: GIA HÂN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công việc trọng tâm ngay trong quý 1 là phải dồn sức cho kỳ họp bất thường. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kỳ họp này sẽ không tính thời gian là 2 hay 3 ngày mà tính hoàn thành việc sửa các luật, nghị quyết thuộc thẩm quyền của Quốc hội phục vụ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
"Đây là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Chính trị", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, và nhấn mạnh, các nội dung Chính phủ trình liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy thì Quốc hội phải bàn và giải quyết tại kỳ họp bất thường.
"Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy liên quan tới các luật, nghị quyết của Quốc hội thì phải sửa như luật Ban hành văn bản pháp luật, luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương và gần 300 luật liên quan tổ chức", Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội thì theo tính toán của Bộ Tư pháp, có tới 4.922 văn bản nghị định, thông tư liên quan tới điều chỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính cần phải sửa đổi.
Nhiều phiên họp chuẩn bị cho kỳ họp bất thường
Phiên họp 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 - 7.1. ẢNH: GIA HÂN
Nhấn mạnh khối lượng công việc phải chuẩn bị cho kỳ họp bất thường thứ 9 rất lớn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không chỉ họp phiên 41 mà trước và sau tết Nguyên đán sẽ có nhiều phiên họp để chuẩn bị cho kỳ họp bất thường.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần phát huy tinh thần kỳ họp 8 cuối năm 2024 vừa qua, bám sát việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, luật chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giao cho Chính phủ quy định. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan tiếp tục quán triệt Quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật.
"Tôi và Thủ tướng thống nhất, các cơ quan soạn thảo dự án luật phải tham gia từ đầu tới cuối chứ không phải tham gia 50% rồi giao cho các cơ quan thẩm tra. Từ câu từ, chữ nghĩa thì cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm tới cùng thì luật mới có tuổi thọ lâu dài. Vừa qua có nhiều đổi mới nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tình hình mới", Chủ tịch Quốc hội khẳng định và đề nghị các cơ quan Chính phủ rút kinh nghiệm việc chuẩn bị sớm hồ sơ dự án luật trình Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, cho ý kiến.
"Hồ sơ phải chuẩn bị từ sớm, từ xa. Câu này ta nói nhiều nhưng có khi gần tới 2 - 3 ngày, thậm chí 1 ngày thì mới trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thông qua để trình Quốc hội. Tôi đề nghị kỳ họp thứ 9 và 10, chúng ta rút kinh nghiệm nghiêm túc về đảm bảo thời gian trình hồ sơ, dự án luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Việc tổng kết Nghị quyết 18 của T.Ư Đảng khóa XII về sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị được T.Ư Đảng thống nhất triển khai thực hiện tại Hội nghị T.Ư Đảng ngày 25.11. Theo kế hoạch, T.Ư Đảng sẽ họp vào giữa tháng 2 để quyết định các phương án sắp xếp, tinh gọn và Quốc hội sẽ họp bất thường kỳ thứ 9 vào cuối tháng để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Theo Lê Hiệp/Thanh niên
https://thanhnien.vn/sua-gan-300-luat-ve-to-chuc-bo-may-tai-ky-hop-bat-thuong-cuoi-thang-2-185250106084125752.htm