Theo phương án được đề ra, dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc xây dựng chế độ, chính sách sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải bảo đảm công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống
Ngày 17-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Giảm mạnh cấp cục, vụ
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành toàn bộ báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW; Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và các văn bản liên quan cùng đề án kết thúc hoạt động Ban Cán sự Đảng, thành lập Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo phương án được đề ra, dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Bên cạnh đó, giảm 500 cục và cơ quan tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và các cơ quan trong bộ.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, việc hợp nhất, sáp nhập các cơ quan của Chính phủ sẽ giúp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ bản khắc phục những vấn đề còn giao thoa hiện nay. Cùng với đó, sẽ giảm từ 35% đến 40% đầu mối sau khi các tổ chức được sắp xếp, hợp nhất. Bản thân bên trong các tổ chức cũng được sắp xếp, tinh gọn lại. Với định hướng đã được Chính phủ đưa ra, cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương. Đối với các báo cáo, đề án liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đang tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ngày 25-12.
Nhấn mạnh khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, quan trọng nhất là có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan ổn định cuộc sống, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng các chế độ, chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét kịp thời. Đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Dự thảo Nghị định sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian sắp tới.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến để hoàn thiện Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 18, trong đó có vấn đề về tên gọi một số bộ sau khi hợp nhất, về phương án sắp xếp, mô hình tổ chức của một số cơ quan, đơn vị. Vấn đề về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị cũng đã được Ban Chỉ đạo thảo luận kỹ lưỡng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ảnh: Nhật Bắc
Cần giữ cán bộ có năng lực
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc việc xây dựng chế độ, chính sách phải bảo đảm công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Chế độ, chính sách phải có tính nhất quán, kế thừa các chính sách đã có từ trước đến nay và cao hơn chính sách hiện hành. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; phải bảo đảm đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng lưu ý tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích đối với các trường hợp nghỉ việc ngay sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy. Việc xây dựng chính sách phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần quan tâm giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, sức khỏe, kinh nghiệm, nhiệt huyết và gắn với thực hiện chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công.
Không để người lao động thiệt thòi Trong việc xây dựng chính sách sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng nhấn mạnh những vấn đề cần đặc biệt lưu tâm. Trong đó, chế độ, chính sách phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của nền kinh tế đất nước; phù hợp với bối cảnh chung, cân đối chung với người làm việc trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, vừa bảo đảm được chính sách khuyến khích người có năng lực, sức khỏe, có trình độ làm việc trong khu vực nhà nước, cũng như thu hút được người làm việc ở khu vực ngoài nhà nước vào nhà nước. Bên cạnh đó là làm sao việc ra, vào của cán bộ công chức, viên chức trở nên bình thường, thuận lợi. Tinh thần chung đặt ra là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho người lao động, không để họ chịu thiệt thòi. |
Bàn việc hợp nhất liên quan 4 bộ Sáng 17-12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và một số bộ, ngành liên quan về phương án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT. Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đánh giá đây là việc lớn, khó, nhạy cảm nhưng "hợp nhất không mang tính cơ học, hợp sức để mạnh hơn". Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo hai bộ tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ dựa trên sứ mệnh đặt ra cho bộ mới, từ đó thiết kế tổ chức bộ máy để thực hiện cho phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng, "nhiệm vụ nào, tổ chức đó". "Những nhóm chức năng, nhiệm vụ giao thoa, chồng chéo, trùng lặp phải sắp xếp theo nguyên tắc "một tổ chức có thể làm nhiều nhiệm vụ, một nhiệm vụ không thể giao cho 2 tổ chức". Hai bộ phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để xây dựng chính sách, tiêu chí rõ ràng khi đánh giá trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng... đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tiến hành sắp xếp lại bộ máy, nhân sự, "không để tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí người tài". Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chủ trì cuộc họp về phương án hợp nhất Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Đại diện các bộ trao đổi, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau; phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước có thể giao thoa, chồng chéo giữa hai bộ, ngành nhằm bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ; tên gọi dự kiến của bộ mới sau khi hợp nhất; phương án bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về bộ máy, tổ chức, hoạt động của bộ mới từ Trung ương đến địa phương. V.Duẩn |
https://nld.com.vn/tinh-gon-bo-may-phai-co-chinh-sach-tot-cho-can-bo-doi-du-196241217214104338.htm