205
/
172670
'Công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà ở'
cong-chuc-khong-an-gi-ca-vai-tram-nam-moi-mua-duoc-nha-o
news

'Công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà ở'

Thứ 5, 21/11/2024 | 13:00:16
99 lượt xem

Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tại sao không dành quỹ đất và chính sách phát triển nhà ở xã hội đa số người dân đang cần mà lại ban hành chính sách cho nhà ở thương mại khi nhiều khu đô thị xây xong không có người ở.

Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).

Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất mở rộng các loại đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận hoặc đang có quyền sử dụng đất, bao gồm đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất (đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất).

'Công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà ở'- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) phát biểu ý kiến sáng 21.11. ẢNH: GIA HÂN

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nhìn nhận thị trường bất động sản hiện nay có nhiều vấn đề. Giá bất động sản tăng phi mã khiến người nghèo, người lao động, cán bộ, công chức rất khó mua được nhà.

"Người ta tính là một công chức không ăn gì cả thì vài trăm năm mới mua được nhà ở. Do đó, cử tri đặt câu hỏi là tại sao Chính phủ, Quốc hội không áp dụng cơ chế này cho nhà ở xã hội, phát triển nhà ở xã hội mà chỉ dành cơ chế cho nhà ở thương mại?", đại biểu Nguyễn Công Long đặt vấn đề.

Dự thảo đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm tại dự thảo trên cả nước, song đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá có những địa phương không có vướng mắc.

"Vậy tại sao phải đồng lòng thí điểm toàn bộ các địa phương. Tôi cho rằng, phạm vi áp dụng thí điểm phải rất cân nhắc, không thể nào để đại trà thế được", ông Long nhấn mạnh.

Cùng đó, đại biểu đoàn Đồng Nai cũng nhấn mạnh, việc triển khai cơ chế thí điểm cũng phải ngăn chặn tình trạng tiêu cực là mua gom đất nông nghiệp chờ cơ chế được Quốc hội thông qua để chuyển đổi làm dự án nhà ở thương mại.

"Nhiều doanh nghiệp đang thu gom đất nông nghiệp và đang chờ chính sách này", ông Long nêu rõ và cho rằng, cần phát triển thị trường bất động sản nhưng cũng phải ngăn chặn tiêu cực, chống tình trạng hợp thức hóa thu gom đất đai.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, phải nhìn thẳng vào sự thật, là từ vùng cao nguyên Hà Giang cho tới mũi Cà Mau, dự án nhà ở thương mại rất nhiều, song có những đô thị xây xong không có người ở, có mua bán cũng chỉ trên giấy tờ để kiếm lời.

Đến nay, Quốc hội lại tiếp tục cho thí điểm để mở rộng các loại đất cho nhà đầu tư xây nhà ở thương mại, trong khi nhu cầu thực sự của người dân là nhà ở xã hội.

"Tại sao không dành quỹ đất, nghị quyết thí điểm chính sách để phát triển nhà ở xã hội mà người dân đang rất cần. Vì những người thu nhập lương 7 triệu, 10 triệu, thậm chí 20 triệu họ không đủ tiền ở nhà ở thương mại. Bởi vì công nhân, cán bộ công chức bốc thăm 5 lần 7 lượt để mua một căn nhà xã hội 50 m2 mà không được", ông Khánh thẳng thắn.

'Công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà ở'- Ảnh 2.

Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy giải trình ý kiến đại biểu cuối phiên thảo luận sáng nay 21.11. ẢNH: GIA HÂN

Tháo gỡ khó khăn cho nhà ở thương mại

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy cho biết, theo quy định tại luật Đất đai 2024, nhà đầu tư làm nhà ở thương mại chỉ được thỏa thuận chuyển nhượng đất ở, đang có quyền sử dụng đất thì trong đó phải có đất ở.

Còn với phương thức Nhà nước thu hồi đất cho dự án, luật Đất đai 2024 quy định chặt chẽ hơn trước, chỉ thực hiện với dự án có quy mô đất từ 20 ha trở lên.

"Đối với dự án nhà ở thương mại có quy mô đất dưới 20 ha, theo quy định hiện hành sẽ không thể tiếp cận đất đai vì không thuộc diện nhà nước thu hồi đất cũng không thuộc diện nhận chuyển quyền hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nếu như trong diện tích ấy không có đất ở", ông Duy nêu và cho biết, mục đích ban hành nghị quyết là nhằm tháo gỡ vướng mắc này, tăng khả năng tiếp cận đất đai cho dự án nhà ở thương mại.

Về phạm vi thực hiện thí điểm, ông Duy cho biết, khó khăn vướng mắc nói trên xảy ra với tất cả các địa phương trên cả nước, nhất là các địa phương mà thị trường bất động sản quy mô không lớn, không có nhiều dự án quy mô từ 20 ha trở lên. Do đó, cần phải cho thí điểm trên phạm vi cả nước mới đảm bảo công bằng, đồng bộ, khắc phục cơ chế xin cho.

"Nếu chỉ áp dụng cho một số tỉnh thì các tỉnh còn lại nếu nhà đầu tư có nhu cầu sẽ không có phương thức thực hiện", ông Duy phân tích.

Theo Lê Hiệp/Thanh niên

https://thanhnien.vn/cong-chuc-khong-an-gi-ca-vai-tram-nam-moi-mua-duoc-nha-o-185241121112313778.htm

  • Từ khóa

Việt Nam mong muốn cùng Malaysia đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn mới

Chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm lần này là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy...
14:10 - 21/11/2024
75 lượt xem

Hạn chế trục lợi chính sách khi thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại

Sáng 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự...
14:00 - 21/11/2024
64 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân tới Kuala Lumpur, bắt đầu thăm chính thức Malaysia

Chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm là dấu mốc quan trọng , góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị hai nước.
12:40 - 21/11/2024
111 lượt xem

Thủ tướng hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Dominica

Hai lãnh đạo Quốc hội Dominica khẳng định ủng hộ các phương hướng và biện pháp của hai Chính phủ về hợp tác song phương.
10:44 - 21/11/2024
139 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Sáng 21-11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày...
08:52 - 21/11/2024
199 lượt xem