Sáng 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: GIA HÂN
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu rõ các nội dụng sửa đổi.
Đề xuất nhiều chính sách mới
Theo đó, việc ban hành dự luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu.
Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Với Luật Quy hoạch, một trong các nội dung sửa đổi để phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập quy hoạch.
Đối với Luật Đầu tư, đề xuất sửa để phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với một số dự án.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn.
Đồng thời, là các dự án công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao.
Các dự án này được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thủ tục hành chính liên quan, trong đó nhà đầu tư không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép, chấp thuận hoặc phê duyệt trong 3 lĩnh vực cần sử dụng nhiều thời gian thực thủ tục hành chính là xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng cháy, chữa cháy (dự kiến có thể giảm thiểu số thời gian thực hiện thủ tục hành chính đến 260 ngày).
Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Chính phủ đề xuất bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao Bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng này...
Chính phủ cũng đề xuất cho áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỉ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
Về Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.
Sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng chất lượng và yêu cầu phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: GIA HÂN
Đề nghị cân nhắc giới hạn đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu.
Liên quan đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt của Luật Đầu tư, ông Thanh đề nghị Chính phủ cân nhắc chỉ giới hạn quy định cho đối tượng là một số dự án lớn, đặc thù, có tính chất lan tỏa vùng, miền, cả nước, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục cập nhật lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cho đồng bộ, thống nhất với các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trong các luật, dự luật đang được Chính phủ hoàn thiện trình Quốc hội.
Nêu ý kiến thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp tục rà soát để tháo gỡ những gì thực sự đang vướng, bức xúc và tháo một cái có thể gỡ được nhiều.
Đồng thời, mở ra những thứ mới hơn, tốt hơn, nhanh hơn cho người dân, doanh nghiệp còn đừng "mở ra cái quản lý Nhà nước chặt hơn mà khó hơn cho người dân, doanh nghiệp".
Ông đề nghị xem xét đưa thêm sửa một số điều của Luật Đầu tư công vào dự luật này để thành 1 luật sửa 5 luật.
Cùng với đó, ông cho rằng, việc sửa này để tháo gỡ khó khăn nhưng không hợp pháp hóa sai phạm trước đây.
"Có rất nhiều vấn đề trong lịch sử để lại khi chưa có luật, bây giờ làm văn bản tháo gỡ, nhưng không hợp pháp hóa sai phạm. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, tránh sửa chỗ này, khó chỗ khác, đề phòng rủi ro pháp lý...", ông Định nêu thêm.
Theo Thành Chung/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/trinh-sua-4-luat-chinh-phu-de-xuat-thu-tuc-dau-tu-dac-biet-20241010093302068.htm