Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm từ 30 - 35 nền kinh tế lớn trên thế giới, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
Sáng 9.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng tiểu ban Kinh tế - Xã hội (KT-XH), đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Tiểu ban KT-XH.
Tại phiên họp, các đại biểu báo cáo, thảo luận việc tiếp thu, giải trình và bổ sung các nội dung đã được Bộ Chính trị cho ý kiến để hoàn thiện thêm một bước đối với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm từ 2026 - 2030.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu với phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2026 - 2030, cần tiếp thu nội dung "ổn định để phát triển"; đổi mới tư duy phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm tính vượt trước dẫn đường, bứt phá trong một số lĩnh vực, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thủ tướng chủ trì phiên họp sáng 9.9. ẢNH: NHẬT BẮC
Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện có tính khả thi; đề xuất mục tiêu đưa nước ta thuộc nhóm từ 30 - 35 nền kinh tế lớn trên thế giới, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng chỉ rõ cần đề xuất cơ chế, chính sách huy động được nguồn lực xã hội, nhất là hợp tác công - tư, nguồn lực nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp; tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải cách thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, với Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo bổ sung một số nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể quan trọng, trọng điểm, tạo đột phá như đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát triển công nghiệp đường sắt; công nghiệp năng lượng xanh, năng lượng sạch; đề án chống biến đổi khí hậu ở ĐBSCL; các dự án liên kết vùng, nhất là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, các tuyến đường sắt đô thị; các dự án cảng biển, cảng hàng không; năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình...
Theo Mai Hà/Thanh niên
https://thanhnien.vn/dua-viet-nam-vao-nhom-30-35-nen-kinh-te-lon-the-gioi-185240910004419269.htm