Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đã có phương án rà soát tất cả cầu cống trên địa bàn Phú Thọ; cấm các phương tiện qua cầu Trung Hà, tiếp tục phân luồng các phương tiện để đảm bảo an toàn.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các công tác tìm kiếm cứu nạn và thăm hỏi, động viên thân nhân người mất tích, đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, cho biết, lưu lượng nước hiện đang chảy rất mạnh, công tác tìm kiếm người bị nạn do đó gặp rất nhiều khó khăn.
Công an tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện và nhân lực để sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Hiện 3 người đã được cứu, là những người bám víu được vào vách taluy cầu.
Đại tá Tuấn cho hay Công an tỉnh Phú Thọ đã có phương án rà soát tất cả cầu cống trên địa bàn và có thể sẽ cho tạm cấm các phương tiện qua cầu Trung Hà, phân luồng các phương tiện để đảm bảo an toàn.
Trước đó, đầu giờ chiều 9.9, Công an tỉnh Phú Thọ đã phát đi thông báo khẩn tìm người bị nạn, tung tích, thông tin nạn nhân liên quan vụ sập cầu Phong Châu (H.Tam Nông, Phú Thọ).
Công an tỉnh Phú Thọ đã thành lập Tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp tại 3 địa chỉ sau:
1. Công ty quản lý đường bộ tỉnh Phú Thọ, số 115, khu 22, xã Vạn Xuân. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0913282825 trung tá Trần Phương.
2. Trạm xăng dầu Công ty TNHH Huy Hoàng, địa chỉ: khu 5, xã Phùng Nguyên. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0989246129 đại úy Nguyễn Mạnh Hưng.
3. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, số 216 đường Trần Phú, P.Tân Dân (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0919333689 thiếu tá Nguyễn Xuân Kha.
Trưa 9.9, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có mặt tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng ở Phú Thọ. Theo báo cáo sơ bộ, có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo sơ bộ thiệt hại từ vụ sập cầu. Theo thông tin ban đầu, có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi. Hiện cơ quan chức năng đã cứu được 4/13 người bị nước cuốn trôi, 9 người đang mất tích.
Phó thủ tướng chỉ đạo các lực lượng ngăn chặn 2 đầu cầu và dùng lưới để tìm kiếm người bị rơi xuống sông.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ báo cáo giải pháp cứu hộ đang gặp khó khăn do dòng nước xiết không thể cho người, phương tiện xuống ngay được.
Theo lãnh đạo tỉnh cho biết, đây là tuyến lưu thông huyết mạch nên cần phải sửa chữa khôi phục ngay. Tỉnh đề nghị dùng quỹ dự phòng, khẩn cấp để triển khai làm mới cầu, nhưng Bộ GTVT sẽ phải thực hiện việc này trong 1 năm. Trước mắt, để tạo điều kiện cho người dân qua lại thì dùng cầu phao.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, cầu Phong Châu là tuyến huyết mạch của khu vực này, nên đề nghị Chính phủ xem xét kinh phí để bố trí sửa chữa như cầu Ghềnh (cầu đường sắt) trước đây bị sập để triển khai làm cầu mới ngay. Bộ GTVT sẽ lo phương án kỹ thuật với cầu mới.
Với phương án di chuyển tạm thời, trước mắt sẽ làm cầu phao cho các phương tiện di chuyển trên tuyến.
Cầu Phong Châu bị sập. ẢNH: Đ.X
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Tam Nông (Phú Thọ), cho biết ông đang ở hiện trường vụ việc lũ sông Hồng cuốn trôi cầu Phong Châu.
Theo ông Hùng, vụ sập cầu Phong Châu xảy ra khoảng hơn 10 giờ cùng ngày. Ở thời điểm sự cố xảy ra, cầu vẫn đang cho người và phương tiện lưu thông bình thường.
“Hiện địa phương đang phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức công tác tìm kiếm các nạn nhân. Do cầu bất ngờ bị cuốn trôi 1 nhịp nên chưa xác định được cụ thể số lượng các nạn nhân là bao nhiêu”, ông Hùng cho biết thêm.
Một nguồn tin khác của Thanh Niên cũng cho biết, do mực nước sông Hồng lên rất cao và chảy xiết khiến cầu Phong Châu bị sập. Thời điểm cầu sập, có nhiều phương tiện lưu thông.
"Hiện lực lượng chức năng đang trích xuất camera để xác định xem có nạn nhân không", nguồn tin cho hay.
Đại tá Nguyễn Mimh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại hiện trường sập cầu Phong Châu. ẢNH: CACC
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đã chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh, thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và 3 đơn vị thuộc Cục CSGT gồm: Thủy đoàn 1; Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát đường bộ, đường sắt; Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy nội địa phối hợp tham gia cứu hộ cứu nạn trong vụ cầu Phong Châu bị sập.
Nạn nhân rơi xuống sông Hồng kể lại giây phút được cứu
Anh Bùi Quý Trọng (32 tuổi), người bị rơi xuống sông Hồng, vẫn còn sợ hãi khi kể lại khoảnh khắc cầu Phong Châu bị sập.
“Tôi đang đi trên cầu khoảng 5 m nữa đến đoạn cuối, bỗng thấy cầu rung nên khoảnh lại thì thấy cầu sập một đoạn. Lúc ấy, không biết bám víu vào đâu tôi và người bạn đi cùng xe máy rơi tự do xuống".
Anh Trọng may mắn rơi xuống ngay phần bê tông cầu, nên được mọi người ở trên bờ xuống kéo lên. Tuy nhiên, xe máy anh Trọng vẫn còn nằm dưới sông.
Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu. ẢNH: HÙNG NGÔ
Vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến vụ sập cầu, chia sẻ với Thanh Niên ông Nguyễn Tuấn Hùng (49 tuổi) kể, trong lúc lái ô tô chở vợ đi qua cầu khoảng 10 giờ kém, hướng từ H.Lâm Thao sang H.Tam Nông đi làm, ông thấy nước sông dâng cao, chảy xiết.
"Lúc đó, tôi nói với vợ nhìn nước cuồn cuộn nhìn kinh thế. Vừa chạy qua cầu vài trăm mét, cầu sập. Lúc đó vợ chồng tôi toát mồ hôi lạnh. May mắn cho vợ chồng tôi thoát chết", ông Hùng kể.
Theo ông Hùng, thời điểm cầu bị sập, các vẫn di chuyển qua cầu bình thường. Sau đó, ông quay trở lại khu vực cầu. Người đàn ông kể rất nhiều người dân đã tập trung đông ở cầu chứng kiến vụ việc.
Trải qua vụ việc lần này, người đàn ông cho biết bản thân vô cùng may mắn vì nếu di chuyển vào đúng thời điểm cầu sập thì không biết chuyện gì xảy ra. Ông cũng hy vọng tai nạn sẽ không gây thiệt hại nào về người.
Công an tỉnh Phú Thọ phân luồng giao thông
Giao thông xung quanh khu vực cầu Phong Châu ách tắc nghiêm trọng. ẢNH: HÙNG NGÔ
Do cầu Phong Châu bị sập, Công an tỉnh Phú Thọ thông báo người dân các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận có thể lựa chọn các tuyến đường di chuyển để thay thế tuyến đường qua Cầu Phong Châu, cụ thể như sau:
Tuyến thứ nhất: các phương tiện qua H.Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: QL32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua QL2 → đi Lâm Thao, Việt Trì. Hoặc QL32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao.
Các phương tiện từ các hướng qua huyện Lâm Thao đi Tam Nông theo chiều ngược lại.
Tuyến Thứ hai: cxác phương tiện qua H.Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: QL32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc Hoặc theo tuyến QL2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Hà Nội, Vĩnh Phúc.
Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đã chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh, thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và 3 đơn vị thuộc Cục CSGT gồm: Thủy đoàn 1; Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát đường bộ, đường sắt; Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy nội địa phối hợp tham gia cứu hộ cứu nạn trong vụ cầu Phong Châu bị sập. ẢNH: CACC
Các phương tiện qua H.Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: QL32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc; hoặc đi theo tuyến QL2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Cầu Phong Châu là cây cầu bắc qua sông Hồng trên QL32C, nối liền 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ). Cầu có kết cấu bằng thép, dài gần 380 m, được khánh thành hồi tháng 7.1995.
Đã vớt được một số nạn nhân
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ đã điều 3 xuồng cao tốc và hơn 200 cán bộ, chiến sĩ tới khu vực hạ lưu cầu Phong Châu. Hiện, các lực lượng đã vớt được một số nạn nhân.
Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm nạn nhân. ẢNH: CTV
Quân khu 2 đã điều động 330 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 316 tìm kiếm nạn nhân tại địa phận tỉnh Yên Bái.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đang triển khai lực lượng gồm nhiều phương tiện, tàu, cùng 40 cán bộ, chiến sĩ; Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) triển khai lực lượng, phương tiện đến cứu hộ, cứu nạn nạn nhân vụ sập cầu.
"Lũ sông Hồng chảy xiết, thay đổi địa hình lòng sông"
Sở GTVT Phú Thọ vừa có báo cáo nhanh gửi Bộ GTVT cho biết nguyên nhân gây sập cầu Phong Châu do mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông.
Theo Sở GTVT Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7) vào lúc 10 giờ sáng nay 9.9.
Trưa nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang và đoàn công tác của Bộ GTVT đã có mặt tại hiện trường, tham gia công tác khắc phục sự cố.
Bộ đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa điều phối lưu thông, hướng dẫn các phương tiện đường thủy không đi vào khu vực cầu sập. Các đơn vị của bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương triển khai các phương án tìm kiếm các nạn nhân và xử lý sự cố.
Cử tri từng kiến nghị sửa chữa do cầu Phong Châu hư hỏng, xuống cấp nặng
Trước đó, năm 2022, cử tri tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Bộ GTVT bố trí kinh phí sửa chữa cầu Phong Châu do hư hỏng, xuống cấp nặng.
Cầu Phong Châu được xây dựng từ tháng 7.1995, đã qua nhiều lần sửa chữa, đại tu; hiện nay bề rộng mặt cầu hẹp, lưu lượng người và phương tiện qua lại rất thường xuyên.
Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu. ẢNH: GIA HÂN
Tuy nhiên, thời điểm đó, trả lời cử tri Phú Thọ, Bộ GTVT cho biết, chỉ được phân bổ tổng số khoảng 304.104 tỉ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, thấp hơn nhiều so với nhu cầu đầu tư khoảng 462.000 tỉ đồng.
Theo quy định của luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ chi bắt buộc, khởi công mới một số dự án động lực, cấp bách, xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong 5 năm.
Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư dự án hoàn chỉnh QL32C đoạn qua TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (Km11+500 - Km21+158) với tổng mức đầu tư khoảng 160 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Riêng việc đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng 2 cây cầu mới nhằm thay thế cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ (qua các huyện Tam Nông và Cẩm Khê), Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị và sẽ quan tâm ưu tiên đầu tư khi cân đối được nguồn lực.
Trong điều kiện chưa thực hiện ngay việc đầu tư dự án, trước mắt Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ từ nguồn bảo trì đường bộ để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Người dân tập trung trên cầu Phong Châu sau khi vụ việc xảy ra. ẢNH: MXH
Nước sông Hồng đang lên rất to. ẢNH: MXH
Cầu Phong Châu bị sập 2 nhịp. ẢNH: MXH
Một số hình ảnh được người dân chia sẻ trên mạng xã hội. ẢNH: MXH
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/vu-sap-cau-phong-chau-cam-moi-phuong-tien-qua-cau-trung-ha-185240909105636727.htm