Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu ưu tiên các đề án cần tập trung giải quyết để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp.
Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 9.8, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ Chính trị họp phiên thường kỳ để bàn, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng theo thẩm quyền.
Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bám sát chương trình toàn khóa của T.Ư Đảng để tổ chức, triển khai nhiều hội nghị với các hình thức linh hoạt, cả trực tiếp và trực tuyến, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Văn phòng T.Ư Đảng, các ban đảng, các cơ quan, tổ chức liên quan đã phối hợp tốt trong tham mưu tổ chức thực hiện; công tác triển khai các văn bản, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đạt hiệu quả...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 9.8
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, khối lượng công việc còn lại trong chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nay đến hết năm 2024 còn nhiều. Những vấn đề, lĩnh vực liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng phải hoàn thành trong năm 2025, năm "về đích" của những mục tiêu mà Đại hội XIII đã đặt ra còn rất lớn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Chính trị tập trung ưu tiên giải quyết nhóm các đề án trình Hội nghị T.Ư 10 và những hội nghị T.Ư tiếp theo; nhóm các đề án cần tập trung giải quyết để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp; ổn định chính trị, xã hội, tạo sự phấn khởi của nhân dân trong lao động sản xuất và đời sống.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh Bộ Chính trị cần có quyết sách cho những vấn đề phát sinh với phương châm "lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân là trên hết và trước hết".
Kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang 2 nhiệm kỳ
Cũng tại cuộc họp, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025 theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Bộ Chính trị nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 không ban hành quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, vi phạm quy chế làm việc; cho chủ trương để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về sử dụng đất có nội dung vi phạm pháp luật về đất đai.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng UBND tỉnh không họp bàn, thảo luận và quyết nghị, không báo cáo xin ý kiến, chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, khai thác 15 dự án khoáng sản cát và quản lý, sử dụng đất đối với 197 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc.
Bộ Chính trị cũng đánh giá Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản cát, trong quản lý, sử dụng đất, nguy cơ thất thu, thất thoát lớn ngân sách nhà nước; để nhiều tổ chức đảng, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bị xử lý kỷ luật liên quan đến các dự án, gói thầu do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện; xảy ra vụ án hình sự liên quan đến vi phạm trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản cát, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, bị xử lý kỷ luật, hình sự.
Từ đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.
Hà Nội tinh gọn bộ máy phải đi đôi với kiểm soát quyền lực Ngày 9.8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô tiếp tục nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành thành phố tiêu biểu của cả nước, phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Hà Nội cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ then chốt, bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác. "Hà Nội vừa qua đã có những đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng. Thực hiện tinh gọn bộ máy phù hợp với chủ trương, định hướng của T.Ư, nhưng phải rất chú ý đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền. Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Cạnh đó, cần nghiên cứu để có định hướng rõ nét về phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của thủ đô. Trước mắt, xác định việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là giảm ùn tắc giao thông… Nguyễn Trường |
Theo Lê Hiệp/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/kip-thoi-thao-go-kho-khan-vuong-mac-cho-dia-phuong-doanh-nghiep-185240809225709342.htm