Người đứng đầu các cơ sở y tế công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Mắc bệnh nặng, phải điều trị hoặc phẫu thuật tại các cơ sở y tế tuyến cuối nhưng nhiều tháng nay tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tái diễn tại nhiều cơ sở y tế công lập.
3 tháng nén đau chờ thay khớp háng
Bà N.V.H (55 tuổi, ngụ Bình Thuận) cho biết 10 năm trước, bà thay khớp háng tại một bệnh viện (BV) ở địa phương; thời gian gần đây, bà thấy đau khi đi lại, sinh hoạt nên đến BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM khám. Tại đây, bác sĩ chỉ định phải mổ thay khớp háng mới vì khớp háng cũ bị mòn, sụt lún nhưng do chưa có hàng thay thế nên bà phải chờ đợi đã 3 tháng qua.
Theo bà H., nhiều lúc cơn đau hành nên bà phải liên tục uống thuốc giảm đau. "Mong rằng BV sớm có phương án để tôi được phẫu thuật bởi hiện tôi cũng không thể làm gì, mọi sinh hoạt phải nhờ con cái giúp đỡ" - bà H. nói.
Trường hợp bà N.T.C (52 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) thì bị đau nhức cột sống cổ và lưng vài năm qua. Mới đây, bà đến BV quận Tân Phú (TP HCM) thăm khám. Bác sĩ chỉ định bà phải chụp MRI để chẩn đoán, tuy nhiên do BV không có máy nên bà được chuyển đến BV Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế trên đường Lũy Bán Bích để chụp MRI.
Theo ghi nhận, không chỉ bệnh nhân tại BV quận Tân Phú mà một số BV như Chợ Rẫy, Thống Nhất (TP HCM) một số bệnh nhân cũng có chỉ định đến BV Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế để thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT-scan, MRI.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện BV quận Tân Phú cho biết dù được chuyển đến BV Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế để chụp MRI nhưng bệnh nhân vẫn được hưởng bảo hiểm y tế vì 2 BV đã hợp tác ký kết.
Theo ghi nhận, không chỉ có vấn đề chụp CT-Scan, MRI; máy chụp PET/CT (chẩn đoán hình ảnh cao cấp) tại các BV như Ung bướu TP HCM, Chợ Rẫy và Quân y 175 hiện cũng hoạt động cầm chừng do thiếu thuốc phóng xạ.
Bệnh viện Ung bướu TP HCM được trang bị 2 máy chụp PET/CT với công suất 30 ca/máy/ngày nhưng thuốc phóng xạ 18F-FDG dùng để chụp PET/CT tại đây không đủ đáp ứng.
Lấy máu xét nghiệm cho người bệnh khám ngoài giờ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Dung
Người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Cao Văn Khánh, Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân, BV Quân y 175, cho biết nhiều năm qua, BV Chợ Rẫy chuyển nhượng nguồn phóng xạ để BV Quân y 175 thực hiện kỹ thuật PET/CT cho người bệnh nhưng số lượng chụp còn khiêm tốn. Trung bình, mỗi ngày, tại đây có khoảng 7-8 trường hợp có chỉ định chụp trong khi công suất tối đa khoảng 13 trường hợp/ngày.
Lý giải tình trạng trên, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh văn phòng, Sở Y tế TP HCM, cho biết BV Ung bướu TP HCM không có hệ thống Cyclotron để tự chủ nguồn thuốc 18F-FDG, nên phải mua từ đơn vị sản xuất hoặc chuyển nhượng từ BV Chợ Rẫy.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2024 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế (VTTBYT) ở một số đơn vị, địa phương nhưng chỉ mang tính cục bộ. "Thể chế đã đầy đủ nhưng khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương, đơn vị, cơ sở còn vấn đề thì không thể đủ thuốc, vật tư y tế. Các cơ quan chủ quản, địa phương phải linh hoạt vận dụng trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng từng nhắc đến tại một số cuộc họp và gần đây nhất là khi trả lời kiến nghị của cử tri Đồng Tháp gửi trước kỳ họp thứ 7 về giải quyết thiếu thuốc, VTTBYT tại các BV. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng thiếu thuốc, VTTBYT chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu dịch COVID-19 và xung đột ở châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Albumin, Globulin...). Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo bảo đảm cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm)… Ngoài ra, việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn...) do bệnh ít gặp nên không xác định được nhu cầu và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay quy định của pháp luật về đấu thầu đối với thuốc, VTTBYT đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Do đó, người đứng đầu các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan. Các cấp có thẩm quyền cũng đã quyết liệt tháo gỡ bằng các quy định hướng dẫn nhưng một số BV chưa thể đấu thầu do tâm lý sợ sai phạm; giá đấu thầu thấp, không có nhà thầu tham gia hồ sơ đấu thầu. Theo lãnh đạo một BV, BV vẫn áp dụng giá thấp nhất khi xây dựng gói thầu nhưng do giá thị trường biến động liên tục, nguyên liệu tăng giá... nên số lượng bỏ thầu rất lớn, thậm chí có những loại thuốc không có nhà thầu tham gia hồ sơ đấu thầu. Để có thuốc, vật tư khám bệnh, cấp cứu nhiều BV xoay xở bằng gói thầu cấp bách nhưng việc mua sắm khẩn cấp cũng chỉ được mua dưới 50 triệu đồng. Lãnh đạo một BV chuyên khoa cho biết thiết bị, vật tư phục vụ phẫu thuật rất đắt, còn nếu mua vật tư như: băng gạc, găng tay… có thể vài ngày đã dùng hết.
Tắc ở đâu?
TS - bác sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), thừa nhận tại BV vẫn tồn tại tình trạng người bệnh phải đi mua thuốc ngoài do thiếu thuốc. Đây là BV ngoại khoa lớn nhất cả nước nên sử dụng số lượng vật tư, thuốc rất lớn. "Thuốc để điều trị cho người bệnh không thiếu, chúng tôi thiếu những thuốc không có thay thế và không thể mua sắm, không chỉ ở BV Việt Đức, mà tất cả các BV công đều đang thiếu vì không có nhà cung cấp tham gia đấu thầu như Albumin và Gamma Globulin. Trong khi tại BV Việt Đức, số bệnh nhân ghép tạng cần dùng loại thuốc này rất nhiều nhưng lại không có trong dược nội trú nên buộc phải mua ngoài" - ông Hùng cho biết.
Lãnh đạo BV Việt Đức cũng khẳng định các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan mua sắm, đấu thầu thuốc, VTTBYT trong thời gian qua đã tháo gỡ một số khó khăn, thậm chí có những quy định là bước tiến vượt bậc để gỡ vướng như không nhất thiết mua hàng với giá thấp nhất. Đồng thời, quy định mới đưa tiêu chí chất lượng, xuất xứ nguồn gốc vào đã giúp BV lựa chọn được hàng tốt, chính hãng, giá hợp lý và tuân thủ đúng pháp luật. Về những ý kiến phản ánh phải chờ mổ lâu, Giám đốc BV Việt Đức cho biết tháng 5-2024, thông tư hướng dẫn mua thuốc mới có nên các BV mới bắt đầu làm hồ sơ để mua sắm. Thời gian từ lúc mời thầu đến khi hoàn tất các thủ tục đấu thầu và cung ứng thuốc phải mất 2-3 tháng. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng phải chờ mổ kéo dài. "Ở các BV tuyến cuối, bệnh nhân khắp nơi đổ về đông nhưng số giường bệnh có hạn. Khi cung và cầu thay đổi thì thời gian chờ mổ phải giãn ra. BV vẫn ưu tiên mổ cấp cứu, mổ các ca bệnh cần phải điều trị ngay để tránh bệnh nặng hơn, phức tạp hơn như ung thư, chấn thương hoặc ưu tiên mổ cho các trường hợp là học sinh, sinh viên để kịp bước vào năm học mới" - bác sĩ Hùng giải thích. Giám đốc BV Việt Đức cho biết hiện BV đang nỗ lực đấu thầu, bộ phận làm thầu phải tăng ca cả cuối tuần để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời mua sắm theo hình thức khẩn cấp để đủ vật tư mổ cho người bệnh. Dự kiến 1-2 tuần tới, khi các gói thầu hoàn thiện mới có thể ổn định được.
Theo lãnh đạo một số BV ở Hà Nội, hiện BV vẫn đang đáp ứng cơ bản thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, không phải lúc nào cũng bảo đảm 100% vì với một BV lớn đa khoa như BV Bạch Mai việc thiếu cục bộ hóa chất, thuốc là không tránh khỏi.
Sớm đưa nhà máy thuốc phóng xạ vào hoạt động Trước giải quyết tình trạng thiếu thuốc phóng xạ, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các BV vẫn tiếp tục nhận chuyển nhượng thuốc phóng xạ từ BV Chợ Rẫy để duy trì chụp PET/CT. Đồng thời, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp cận lâm sàng khác để thay thế như MRI, CT scan. Sở cũng đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa nhà máy của Công ty CP Y học Rạng Đông - Chi nhánh TP HCM vào hoạt động. |
GS-TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Câu hỏi là tại sao các bệnh viện tư không thiếu Thời gian qua, rất nhiều BV công trên cả nước đang bị "ách tắc" trong công tác mua sắm thuốc men, VTTBYT làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh, gây tốn kém cho người dân rất nhiều nếu phải mua thuốc, vật tư ở ngoài. Vấn đề này được chất vấn nhiều tại nghị trường Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Tại sao các BV tư, phòng khám tư nhân không thiếu thuốc, thiết bị vật tư mà chỉ xảy ra tại các cơ sở y tế công lập. Không thể nói tình trạng thiếu thuốc chỉ là "cục bộ" nhưng lại tái diễn từ năm này sang năm khác. GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K: Thiếu máy xạ trị do quá tải bệnh nhân Một số loại thuốc, vật tư có gián đoạn trong thời gian đấu thầu nhưng BV cũng có các loại thay thế. Một số bệnh nhân không đồng ý đổi phác đồ điều trị hoặc muốn sử dụng loại tốt hơn so với các loại mà BV cung cấp dẫn đến việc phải mua ở ngoài. Vấn đề nan giải của BV là tình trạng quá tải tại khu vực xạ trị. Với nhu cầu cả ngàn lượt bệnh nhân cần xạ trị mỗi ngày trong khi BV hiện chỉ có 5 máy xạ trị. Mỗi ngày các máy này đều phải chạy 22-23 giờ nhưng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. BV cũng đã có các kế hoạch đầu tư, dự kiến đến quý I/2025 sẽ đưa thêm 6 máy gia tốc vào hoạt động, cơ bản đáp ứng yêu cầu về xạ trị cho bệnh nhân ung thư. |
https://nld.com.vn/thuoc-vat-tu-y-te-go-hoai-van-thieu-196240807213150826.htm