Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được
Sáng 15-11 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Ảnh: VGP
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ VH-TT-DL, LĐ-TB-XH, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, NN-PTNT, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, du lịch, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư…
Thủ tướng đề nghị tìm lời giải cho bài toán của du lịch Việt. Ảnh: VGP
Du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có khởi sắc hơn, đến hết tháng 10-2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại. Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả, thực hiện "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện".
Thủ tướng đề nghị hội nghị tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, du lịch, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không. Ảnh: VGP
Một là, nhận diện thời cơ và thách thức của du lịch Việt Nam. Hai là, chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam, của các nước trên thế giới. Ba là, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững.
Trong đó, tập trung nêu rõ những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao năng lực quản trị của quốc gia, của từng địa phương và từng doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mới, công tác phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch và doanh nghiệp ngoài ngành du lịch...
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho hay trong 10 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 ngàn tỉ đồng. Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng.
Bộ VH-TT-DL đề xuất trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đề xuất nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch. Ảnh: VGP
Nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Úc, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...
Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.
Tối ưu hóa, đơn giản hoá quy trình xin cấp thị thực điện tử, đảm bảo giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác, hiển thị thông báo cụ thể về thời gian trả kết quả thị thực….
Theo Yến Anh/NLĐO
https://nld.com.vn/thoi-su/thu-tuong-yeu-cau-tim-loi-giai-cho-bai-toan-cua-du-lich-viet-20231115094520084.htm