"Hãy đến Việt Nam kinh doanh, mang lại sự phát triển và giàu có cho hai nước. Đó là cách tốt nhất để hàn gắn vết thương, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi.
Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều lần khi chia sẻ với các doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Mỹ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, sáng 18/9 theo giờ địa phương.
"Tôi rất vui khi thấy hội trường không còn chỗ ngồi. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Mỹ dành sự quan tâm rất lớn cho Việt Nam", Thủ tướng nói khi thấy khán phòng tổ chức sự kiện chật kín, thậm chí nhiều người đứng để lắng nghe các ý kiến.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, chuyến công tác tới Mỹ lần này của ông khác thời điểm cách đây hơn một năm, bởi Việt Nam và Mỹ vừa nâng cấp Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Nhiều dư địa đầu tư cho doanh nghiệp Việt - Mỹ
Nhận định thương mại còn tiếp tục phát triển vì có nhiều dư địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam có nhiều yếu tố nền tảng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển.
Đó là Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là mục tiêu, là chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển.
Lãnh đạo Chính phủ cũng tái khẳng định quan điểm Việt Nam không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: Đoàn Bắc).
Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Chính sách quốc phòng "4 không" cũng được Thủ tướng nhấn mạnh, gồm: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Với những đường lối đó, sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, theo lời lãnh đạo Chính phủ.
Ông cho biết quy mô nền kinh tế của Việt Nam hiện đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên trên 4.100 USD. "Việt Nam đã trở thành một trong 20 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới và trong 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với quan điểm, "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và nhận thức; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp", Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để cùng nhau chiến thắng, cùng có lợi, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Cùng hợp tác, cùng chiến thắng, cùng có lợi
Nhắc lại quan điểm "sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh doanh nghiệp hai nước cần có hành động thiết thực, cụ thể hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Hành động này phải mang lại lợi ích cho quốc gia và nhân dân mỗi nước; phù hợp với tình hình phát triển của hai đất nước và xu thế của thời đại, nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước; phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hai nước.
Đại diện các doanh nghiệp dự Diễn đàn (Ảnh: Đoàn Bắc).
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Mỹ hiện thực hóa sự ủng hộ của nước này về một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng". Trong đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ số và chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
"Hàn gắn vết thương chiến tranh, tôn trọng sự khác biệt không có cách gì khác là thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân", theo chia sẻ của Thủ tướng.
Ông tin với việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ, hai nước sẽ có thêm không gian, điều kiện để phát triển, tạo thuận lợi hơn trong hợp tác đầu tư.
Các doanh nghiệp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để hai bên cùng hợp tác, cùng chiến thắng, cùng có lợi, đó là điều người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn.
Ông kỳ vọng khi doanh nghiệp hai nước đầu tư vào mỗi quốc gia sẽ theo tinh thần "người khỏe giúp người yếu; người trẻ giúp người già; người giàu giúp người thu nhập thấp".
"Chiến tranh đã lùi xa. Chúng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không phải làm được trong ngày một ngày hai. Vẫn có những người còn chưa hiểu Việt Nam, có người còn e ngại, băn khoăn nhưng tôi mong cộng đồng doanh nghiệp hiểu rằng, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón mọi người đến đầu tư kinh doanh bình đẳng, hiệu quả, đúng pháp luật", Thủ tướng kêu gọi.
Ông mong doanh nghiệp Mỹ mở lòng và đến để thấy sự phát triển của Việt Nam, tăng cường đầu tư để mang lại sự phát triển và giàu có cho cả hai nước. "Đó là cách tốt nhất để hàn gắn vết thương, gác lại quá khứ và cùng nhau hướng tới tương lai", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Hoài Thu/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-my-hay-dau-tu-vao-viet-nam-de-dem-lai-su-giau-co-cho-ca-hai-nuoc-20230918144828531.htm