Sau khi trở về từ chiến khu Việt Bắc, nơi đầu tiên mà Bác Hồ dừng chân tại Hà Nội là một ngôi nhà nhỏ ven bờ đê sông Hồng.
Ngôi nhà lịch sử tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh: Chi An).
Ngôi nhà nhỏ lần đầu đón Bác
Ngôi nhà được cụ Công Văn Chính xây dựng vào năm 1929, tại ngõ 319 An Dương Phương (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội). Đây là căn nhà cụ Chính xây cho con trai của mình - Chánh Tổng Công Ngọc Lâm và con dâu là bà Nguyễn Thị An. Hiện tại căn nhà đang được giữ gìn và trông coi bởi ông Công Ngọc Dũng - cháu nội của bà Nguyễn Thị An.
Từ năm 1941-1945, thôn Phú Gia (huyện Từ Liêm cũ, thuộc Hà Nội, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), đã trở thành căn cứ của các cán bộ hoạt động cách mạng. Nơi đây được coi như vùng "An toàn khu" của Trung ương Đảng lúc bấy giờ.
Bức ảnh chụp căn nhà từ những năm 1940 (Ảnh: NVCC).
Cũng từ năm 1941, cụ Nguyễn Thị An và con trai là ông Công Ngọc Kha đã được bà Trần Thị Sáu truyền bá tư tưởng cách mạng. Ngôi nhà đã trở thành nơi liên lạc, nhận thư từ, trú ẩn, cũng như là nơi cung cấp lương thực cho các cán bộ hoạt động cách mạng thời điểm đó. Cứ như vậy, nơi này đã nằm trong vùng "An toàn khu" suốt 5 năm.
Chiều tối ngày 23/8/1945, nơi đây đã được chọn làm nơi đón tiếp và nghỉ ngơi của hơn 10 người cán bộ trở về từ chiến khu Việt Bắc.
Theo lời kể của ông Dũng, đoàn cán bộ đó khi đó không rõ có những ai, nhưng toàn bộ thành viên trong gia đình đều được "triệu tập" về nhà. Vừa vào đến sân, ông Kha đã reo lên: "Các đồng chí kể chuyện chiến khu cho bọn em nghe đi".
Lúc đó, ông Kha và gia đình được một cán bộ tên Hoàng Tùng dặn dò: "Các đồng chí ở chiến khu mới về còn mệt, cần yên tĩnh".
Trước nhà có 3 dòng chữ Hán. Dòng chữ ở giữa là "Minh nguyệt thanh phong" - "Trăng thanh gió mát". Hai bên lần lượt là "Bảo Đại tứ niên - Tôn tạo Đông thành" - "Nhà xây từ thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa đông" (Ảnh: Chi An).
Trong đoàn có một ông cụ dáng người gầy, râu tóc bạc phơ, hình như mới qua một trận ốm. Ông Kha lúc bấy giờ là đội trưởng đội tự vệ chiến đấu của xã Phú Gia. Ông được giao nhiệm vụ gần gũi và chăm sóc ông cụ.
Ông cụ già thường ngồi đánh máy trên cái tràng kỷ. Mọi lời nói, hoạt động của cụ rất từ tốn, nhẹ nhàng.
Bộ tràng kỷ Bác đã ngồi làm việc suốt thời gian ở đây (Ảnh: Chi An).
Đến chiều 25/8/1945, khi các cán bộ chuẩn bị vào nội thành Hà Nội, ông cụ có gặp mặt gia đình và nói chuyện. Gia đình đông đủ, ông cụ nói "Tôi đã về đây được mấy hôm, gia đình cũng hết lòng chăm lo, giúp đỡ, bây giờ đoàn phải đi công tác. Có dịp thuận lợi tôi sẽ quay lại thăm gia đình lần nữa".
Ngày 2/9/1945, gia đình ông Kha được tham gia buổi mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Khi đến nơi, trên bục thấy Bác Hồ đang đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Cái giọng nói người Nghệ, dáng người dong dỏng cao, vóc người gầy yếu ông Kha thấy Bác Hồ trông giống cụ già đã đến nhà mình.
Sau buổi mít tinh, về đến nhà các đồng chí tháp tùng cho Bác Hồ có hỏi "Thế gia đình hôm nay có nhận ra ai đứng ở trên khán đài ở Quảng trường Ba Đình không?" thì mọi người đáp: "Ông cụ trông giống người ở nhà mình lắm, cái giọng nói và cái dáng người giống lắm".
Lúc này các đồng chí mới ồ lên cười và bảo rằng "Đấy chính là ông cụ già đã ở đây mấy ngày trước". Lúc bấy giờ, gia đình ông Kha mới vỡ lẽ, đồng chí thượng cấp ở nhà mình khi đó chính là Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ vĩ đại của dân tộc ta.
Gian giữa từ ngày ấy được dùng làm gian thờ Bác (Ảnh: Chi An).
Bác Hồ về, Bác Hồ về!
Sáng 24/11/1946, sau khi Bác Hồ trở về từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Người đã quay lại thăm ngôi nhà ở phường Phú Thượng lần thứ hai. Lần này, Người về với cương vị là Chủ tịch nước. Khi về đến đây, chung quanh đều là tiếng mọi người reo to: "Bác Hồ về, Bác Hồ về!".
Gia đình cũng sưu tầm và lưu lại những bức ảnh khi Bác còn ở đây (Ảnh: Chi An).
Lần quay trở về thăm gia đình, Bác đã để lại trong tâm trí mọi người cũng như là các thế hệ sau này tình cảm gần gũi, gần dân, ân cần với nhân dân, không để người dân phải thiệt thòi. Đó chính là sự bình đẳng mà Bác để lại cho mọi người.
Hôm ấy, Bác cũng căn dặn chúng tôi rất nhiều điều cho người dân về việc tuyên truyền Hiến pháp của ta cũng như là củng cố tinh thần người dân cho các cuộc kháng chiến.
Theo lời ông Công Ngọc Dũng, trước kia, ông Kha đã nói rõ ý nguyện của bản thân rằng muốn giữ lấy ngôi nhà này mãi mãi, muốn nó trở thành nhà di tích của Bác.
Nhưng, khi mong ước chưa kịp thành hiện thực, ông đã qua đời. Lúc này, ông Dũng, người chỉ được nghe kể lại những ký ức năm đấy, đã cố gắng thực hiện ý nguyện cuối cùng của cha mình.
Kể từ ngày ấy đến bây giờ, mọi vật dụng Bác dùng đều được gia đình ông Kha giữ gìn và bảo vệ như một ký ức còn sót lại của Bác trong ngôi nhà. Nói đến vấn đề tu sửa lại ngôi nhà thì cũng không ít lần ông Kha phải tự bỏ kinh phí ra để sửa lại những chi tiết trong căn nhà.
Những vật dụng chứa đựng kỷ niệm của Bác tại căn nhà (Ảnh: Chi An).
Năm 1996, ông Dũng cùng vợ đã hiến ngôi nhà này cho Đảng, cho Nhà nước để làm nơi thờ Bác, nơi giữ lại những kí ức về Bác trong thời kỳ cách mạng. Không ai trong gia đình từng nghĩ ngôi nhà mà Bác dừng chân khi trở về Hà Nội lại được xếp hạng vào di tích lịch sử Quốc gia.
Cứ đến ngày 23/8 hàng năm, gia đình lại tụ họp trong ngôi nhà này để trò chuyện, kể lại những kí ức về Bác năm xưa. Ông Dũng cũng luôn tự hào khi nói rằng, đây là ngôi nhà đầu tiên, đêm nằm đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.
Những vật dụng chứa đựng kỷ niệm của Bác tại căn nhà (Ảnh: Chi An).
* Bài viết có tham khảo một số chi tiết trong quyển sách "75 năm ngày Bác Hồ về ở và làm việc tại Phú Gia (23/8/1945-23/8/2020)", do Nhà xuất bản Tài Chính xuất bản.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/ngoi-nha-o-bo-de-song-hong-va-ky-uc-tung-2-lan-duoc-bac-ho-ghe-tham-20230518135330595.htm