Chỉ có 2/8 cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ - chiếm 25%. Tỷ lệ này còn cách xa so với chỉ tiêu 60% đề ra tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Ủy ban Xã hội đề cập đến nội dung này trong phần thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2022.
Trong 20 chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, báo cáo của Chính phủ cho thấy có 8 chỉ tiêu đạt, 4 chỉ tiêu dự kiến đạt.
Đáng lưu ý, tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm 28,2% vào năm 2020 - đạt mục tiêu trước khi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được ban hành. Chiến lược này đề ra mục tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm, Ủy ban Xã hội đề cập đến tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy hiện hành.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng là một trong ba thành viên nữ trong bộ máy Chính phủ hiện nay (Ảnh: Quốc hội).
Tính đến tháng 12/2022, có 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm 50% - tăng 3,4% so với năm 2021.
Tuy nhiên, chỉ có 2/8 cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ - đạt 25%. Tỷ lệ này còn cách xa so với chỉ tiêu đề ra là 60%, theo cơ quan thẩm tra.
Ở cấp địa phương, thống kê cho thấy tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (số liệu đầu nhiệm kỳ 2021-2025) chiếm 37,7% ở cấp tỉnh, cấp huyện là 31,77%, cấp xã 24,94%.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận định dù tỷ lệ lãnh đạo chủ chốt là nữ đã cao hơn so với nhiệm kỳ trước, nhưng so với chỉ tiêu trong lĩnh vực chính trị đề ra đến năm 2025, chắc chắn không đạt được. Ủy ban Xã hội cũng cho rằng sẽ rất khó để đến năm 2030 đạt mục tiêu 75% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương.
Để đạt chỉ tiêu đề ra, Ủy ban Xã hội cho rằng Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cần có chiến lược, kế hoạch triển khai từ sớm; quan tâm công tác phát hiện, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ và thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở các cấp.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đảm bảo cơ cấu nữ trong việc dự kiến, phân bổ, xác định cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ khóa 2026-2031.
Trước đó, trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội, Chính phủ thống kê đến tháng 12/2022, trong 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 13 đơn vị có nữ là lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ này đạt 59%, tăng 6% so với năm 2021.
Trong 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 2 cơ quan có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Cụ thể, trong bộ máy Chính phủ có 3 nữ bộ trưởng, trưởng ngành, gồm: Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Một thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là nữ, đó là bà Vũ Việt Trang - Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ngoài ra, đến cuối năm 2022, trong các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ còn có 12 nữ thứ trưởng và tương đương.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/ty-le-lanh-dao-nu-trong-co-quan-thuoc-chinh-phu-con-cach-xa-muc-tieu-20230518110155434.htm