Ông Nguyễn Thái Học nêu rõ điểm mới trong xử lý cán bộ vi phạm là khuyến khích cán bộ bị kỷ luật nếu thấy uy tín giảm sút nên chủ động từ chức, xin nghỉ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp 23 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: N.C
Thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2022, cho thấy có gần 540 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); đồng thời cho thôi giữ chức ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) với 5 cán bộ, cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó thủ tướng, 3 thứ trưởng và tương đương...
Bên cạnh đó, đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó có 17 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nêu rõ khép lại năm 2022 công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực cơ bản đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ.
Các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là kiên quyết, kiên trì, bề bỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phát hiện và xử lý vi phạm.
Dù người vi phạm là cán bộ chủ chốt ở địa phương hay đứng đầu các bộ, ngành, đều không có ngoại lệ.
Điểm mới trong xử lý, theo ông Học là khuyến khích cán bộ bị kỷ luật nếu thấy uy tín giảm sút thì chủ động từ chức, xin nghỉ.
Việc xử lý được thực hiện trên tinh thần nghiêm khắc nhưng vẫn có sự khoan dung, khoan hồng, nhân văn với những người nhận ra khuyết điểm, ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả.
Ông Thái Học cũng nhấn mạnh năm qua các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt, điều tra, xử lý những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chưa từng có tiền lệ trong nhiều lĩnh vực như trái phiếu, chứng khoán, các tập đoàn lớn hay vụ việc đã tồn tại kéo dài nhiều năm...
Đáng chú ý, trước đây với các đối tượng bỏ trốn thường tạm đình chỉ điều tra, chờ bắt được sẽ xử lý thì hiện nay vẫn điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt theo quy định.
Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, nhà nước ta trong xử lý đến cùng tội phạm tham nhũng.
Sang năm 2023, theo ông Học cần có sự vận hành đồng bộ, quyết liệt hơn nữa từ Trung ương đến địa phương để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm; không để xảy ra các việc tích tụ lâu ngày, từ nhỏ thành lớn, từ ít nghiêm trọng thành nghiêm trọng như thời gian qua.
Sớm thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật) nhấn mạnh việc càng đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, càng làm cho bộ máy trong sạch, trật tự kỷ luật, kỷ cương được thiết lập, kinh tế - xã hội phát triển.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc rất quyết liệt, công tâm, khách quan, phát hiện tới đâu, xử lý tới đó, kể cả cán bộ cấp cao.
Theo ông Hòa, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm thì Đảng đã có chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Vấn đề đặt ra phải thể chế hóa chủ trương này.
Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Lê Như Tiến khẳng định việc tạo điều kiện cho cán bộ từ chức, xin nghỉ khi bị kỷ luật uy tín giảm sút là việc làm nhân văn.
Nếu để đến khi các cơ quan có thẩm quyền phải gây sức ép, bãi nhiệm, miễn nhiệm thì rõ ràng rất nặng nề, không hay cho người cán bộ đó.
Ông chỉ rõ việc này rất cần được khuyến khích sâu rộng hơn nữa trong mọi cấp, mọi ngành, từng cán bộ, đảng viên để trở thành điều bình thường trong xã hội.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/khong-co-ngoai-le-trong-viec-phat-hien-va-xu-ly-can-bo-chu-chot-vi-pham-phap-luat-20230125093347534.htm