Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức "Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982" với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của gần 150 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương có biển, cơ quan đại diện các nước ASEAN tại Việt Nam.
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: BNG
Cùng tham dự hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về lĩnh vực biển, sự có mặt của các đại diện Việt Nam trực tiếp tham gia quá trình đàm phán, ký kết cũng như thực hiện UNCLOS.
Ông Tommy Koh, nguyên Chủ tịch Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 và ông Vladimir Jares, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề về Biển và Đại dương, LHQ gửi lời chào mừng Hội thảo và nhấn mạnh giá trị quan trọng của UNCLOS cùng với những đóng góp của Việt Nam trong quá trình xây dựng, triển khai UNCLOS.
Hội thảo gồm 2 phiên, trong đó tại phiên thứ nhất với chủ đề "Giá trị đặc biệt của UNCLOS", các diễn giả điểm lại và làm rõ nhiều nội dung liên quan đến lịch sử đàm phán, thông qua văn kiện và những đóng góp của Việt Nam trong tiến trình này tại Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của LHQ; giá trị phổ quát và tầm quan trọng của UNCLOS…
Tại phiên thảo luận thứ 2: "Việt Nam thực thi UNCLOS", các diễn giả tập trung vào việc thực thi Công ước của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau như việc phân định biển, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi biển…
Các đại biểu nhất trí khẳng định qua 40 năm, Công ước Luật Biển đã không chỉ đảm đương tốt vai trò hiến pháp, điều ước quốc tế về biển mà còn là một văn kiện sống, thực sự đóng góp vào việc hình thành và bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, hợp tác quốc tế trên biển.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng qua 40 năm phát triển, đến nay, với 168 quốc gia thành viên, UNCLOS đã thực sự trở thành văn kiện pháp lý quan trọng hàng đầu chỉ sau Hiến chương LHQ, là bản "Hiến pháp về biển và đại dương".
Sự ra đời của UNCLOS đã hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong việc sử dụng biển, quản lý, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển.
UNCLOS là căn cứ pháp lý quốc tế toàn diện để xác định các vùng biển, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Luật Biển 1982 cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan tới giải thích và áp dụng UNCLOS.
Các diễn giả đều khẳng định, là quốc gia ven Biển Đông, thành viên UNCLOS, Việt Nam luôn nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước.
Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, đại dương, thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp; nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong vấn đề Biển Đông và thực thi UNCLOS./.
Theo Báo Chính Phủ
https://baochinhphu.vn/viet-nam-luon-nhan-thuc-ro-tam-quan-trong-cua-bien-doi-voi-hoa-binh-an-ninh-phat-trien-102221209075034381.htm