205
/
139062
Nghị quyết 29 có 5 nhóm quan điểm chỉ đạo toàn diện về CNH-HĐH
nghi-quyet-29-co-5-nhom-quan-diem-chi-dao-toan-dien-ve-cnh-hdh
news

Nghị quyết 29 có 5 nhóm quan điểm chỉ đạo toàn diện về CNH-HĐH

Thứ 3, 06/12/2022 | 11:04:59
2,085 lượt xem

Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, đồng thời cũng cụ thể hoá những nội dung trọng tâm để định hướng đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước.

Nghị quyết 29 có 5 nhóm quan điểm chỉ đạo toàn diện về CNH-HĐH - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định Nghị quyết 29 có ý nghĩa quan trọng, là chuyên đề đầu tiên của Đảng về CNH-HĐH - Ảnh: VGP/HT

Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trao đổi với báo chí, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định đây là Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, là chuyên đề đầu tiên của Đảng về CNH-HĐH.

Nghị quyết 29 chuyên đề về  CNH-HĐH  có nhiều ý nghĩa

Theo ông Trần Tuấn Anh, CNH-HĐH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là phương thức, động lực để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Thực tế đã chỉ ra rằng, đại đa số các nước trên thế giới muốn trở thành một nước phát triển, đạt được mức thu nhập cao đều tiến hành quá trình CNH-HĐH. Việt Nam muốn thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tất yếu vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH. 

Vấn đề CNH-HĐH đất nước đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong thời gian qua, khoảng 20 nghị quyết đã ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng rẽ của CNH-HĐH. Tuy nhiên, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề này. 

Đại hội XIII nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo". Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta đã có thế và lực mới; chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều vấn đề mới, có tính chất phức tạp. Từ đó đặt ra những yêu cầu thực tiễn cần phải ban hành một Nghị quyết mới có tính tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phân tích thực tiễn thực hiện CNH-HĐH đất nước trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần có chủ trương của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ như: Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững. Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỉ trọng nhỏ, mối liên kết với các ngành sản xuất còn yếu. Đô thị hoá chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với CNH-HĐH. Các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội, con người, môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập… 

Do vậy, Nghị quyết được ban hành sẽ định hướng, là kim chỉ nam để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới tạo động lực thúc đẩy CNH-HĐH đất nước. 

Quan điểm chỉ đạo toàn diện về CNH-HĐH

Ông Trần Tuấn Anh cho biết Nghị quyết đã đề ra hệ thống 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện, đồng thời cũng cụ thể hoá những nội dung trọng tâm làm cơ sở để định hướng đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, với một số nội dung cốt lõi.

Quan điểm thứ nhất là làm rõ nội hàm/nhận thức về CNH-HĐH là "quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo". Thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNH-HĐH với sự phát triển kinh tế-xã hội, coi đây "là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao". 

Quan điểm thứ hai nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng coi việc đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Đặt CNH-HĐH trong tổng thế chiến lược phát triển đất nước để có cách tiếp cận toàn diện, chú trọng giải quyết hài hoà các mối quan hệ lớn trong quá trình CNH-HĐH đất nước. Đó là "bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động".

Quan điểm thứ ba xác định nội dung và yêu cầu then chốt "phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang chế tạo, chế biến, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi trọng phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu". 

Quan điểm thứ tư nhấn mạnh lộ trình, bước đi trong thực hiện CNH-HĐH là phải có trọng tâm, trọng điểm và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực thực hiện để phát trển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng. Bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về chủ thể và nguồn lực thực hiện CNH, HĐH: "Lấy nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là chủ đạo; doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy CNH-HĐH". 

Quan điểm thứ năm nhấn mạnh yêu cầu trong thực hiện CNH-HĐH đất nước, "phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa cả truyền thống và hiện đại, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và giai cấp công nhân hiện đại; vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ tri thức và doanh nhân Việt Nam"./.

Theo Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/nghi-quyet-29-co-5-nhom-quan-diem-chi-dao-toan-dien-ve-cnh-hdh-102221205210956811.htm

  • Từ khóa

Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục'

Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp...
16:45 - 23/11/2024
391 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ đại diện kiều bào tiêu biểu tại các nước ASEAN

Nhân dịp chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp gỡ đại diện kiều bào tiêu biểu, lãnh đạo hội...
16:37 - 23/11/2024
376 lượt xem

Đề xuất tăng thuế thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam đã và đang gây ra những hệ lụy về bệnh tật và tử vong, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, xã hội.
08:34 - 23/11/2024
575 lượt xem

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương cho 2 phi công vụ rơi máy bay ở Bình Định

Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 2 phi công vụ rơi máy bay YAK-130 ở Bình Định.
14:10 - 22/11/2024
1,044 lượt xem

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới

Sáng 22/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm và phát biểu tại Trường đại học quốc gia Malaya (MalaTrong khuôn khổ chuyến thăm...
14:08 - 22/11/2024
1,043 lượt xem