Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề, "phạt nguội" trong giao thông là để áp dụng công nghệ, nhưng người dân vẫn phải đến cơ quan chức năng xác nhận thì đâu còn ý nghĩa trực tuyến.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn chiều 4/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành thời gian nói về lĩnh vực thông tin truyền thông, chuyển đổi số.
Theo ông, chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, dùng thông tin mà đã đến lúc khẳng định chuyển đổi số là thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, doanh nghiệp, xã hội…
Lâu nay khi triển khai các đề án liên quan tới chuyển đổi số, các bộ ngành gặp một số vướng mắc, kể cả về văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề này cũng diễn ra ở nhiều nước vì mọi người chưa lường hết sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số nội dung tại Quốc hội (Ảnh: Q.H)
Phó Thủ tướng lấy ví dụ, trong tổng số 25 dịch vụ công được đưa ra trong Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia), hiện còn 4 dịch vụ chưa thực hiện xong, trong đó có 3 dịch vụ liên quan tới các ngành khác nhau là tư pháp, y tế, bảo hiểm, công an, và có một dịch vụ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ bằng camera (hay gọi là phạt nguội).
"Tất cả đã sẵn sàng, nhưng mà chỗ này vướng một điều trong luật, đó là muốn phạt nguội được thì người bị phạt nguội phải đến trình diện, xác nhận tại cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, đến xác nhận rồi thì trực tuyến làm gì nữa", Phó Thủ tướng nói.
Như vậy dù các cơ quan đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, việc xây dựng văn bản pháp luật chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của khoa học thông tin, chưa phù hợp với đặc tính của công nghệ hiện đại. Trong trường hợp cụ thể, câu hỏi đặt ra là có dám triển khai kể cả khi trái với quy định hiện hành cho dù quy định đó chưa phù hợp hay không?
Phó Thủ tướng cho rằng, cần tích cực thực hiện công tác xây dựng, bổ sung, chỉnh lý văn bản pháp luật sao cho phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Các cơ quan chức năng đã thảo luận trên tinh thần hết sức trách nhiệm, vấn đề nào liên quan tới bức xúc của người dân đều được báo cáo cấp có thẩm quyền tìm hướng giải quyết.
"Tôi lấy ví dụ, không chỉ nhất thiết cần phải sửa Luật về xử lý vi phạm hành chính, chúng ta có thể sửa thông qua luật giao dịch điện tử, và sẽ bàn về khái niệm là người dân không nhất thiết phải lên cơ quan chức năng để xác nhận nữa", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Mỗi năm bớt được hàng nghìn thủ tục hành chính không cần thiết
Về dịch vụ công, Phó Thủ tướng nêu rõ, một trong những điểm sáng gần đây là vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Chúng ta đã đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia trên 6.000 thủ tục hành chính, trong đó hơn 4.000 dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến, đạt gần 64%. Nhờ vậy mỗi năm bớt được hàng nghìn thủ tục hành chính không cần thiết.
"Trước đây cũng đã xảy ra 2 luồng quan điểm khác nhau. Một luồng quan điểm là chỉ nên chọn dịch vụ công nào nhiều người dân dùng thì hãy làm. Luồng quan điểm thứ hai là cứ làm tất cả, vì tất cả cùng làm sẽ tạo khí thế. Không còn cảnh người làm thì làm mà người không làm thì bình luận", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay chúng ta đã đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia 6.511 thủ tục hành chính, trong đó 4.200 dịch vụ công là đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến, đạt gần 64% (Ảnh: Q.H).
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Đề án cơ sở dữ liệu của ngành công an là trọng điểm, được đầu tư quy mô, bởi cơ sở dữ liệu về dân cư đã được luật định, là cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý với lực lượng chính quy hóa đến cấp xã. Đây cũng là cơ sở dữ liệu đã được đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân lực. Cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ cho riêng Chính phủ, mà cho toàn bộ hệ thống chính trị.
Đề án này khi thực hiện cũng đã bộc lộ ra nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, trước hết là đả thông tư tưởng của tất cả các Bộ, ngành, các cấp. Kết quả ban đầu cho thấy, chúng ta đã thực hiện đúng hướng và đạt được các mục tiêu cơ bản.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội, thể hiện rõ ở quyết tâm của người đứng đầu, Phó Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu cần ra "đầu bài" thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả. Về không gian mạng, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần chủ động đưa thông tin chính thống một cách nhanh nhất.
Theo Văn Yên/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/phat-nguoi-ma-phai-den-co-quan-chuc-nang-lam-thu-tuc-thi-tinh-sao-20221104172013345.htm