Bộ Xây dựng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, bảo đảm giá phù hợp với thu nhập người dân
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là vị tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn vào chiều 4-11 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
1 triệu nhà ở xã hội: Có khả thi?
Nhóm vấn đề liên quan nhà ở xã hội (NƠXH) cho người có thu nhập thấp, công nhân, lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và thành phố lớn, được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.
ĐB Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - nêu thực trạng nguồn cung NƠXH hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Pháp luật về nhà ở chưa bảo đảm việc tạo nguồn cung, chưa nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong việc xây dựng NƠXH. ĐB đoàn TP HCM đặt câu hỏi về giải pháp phát triển NƠXH, bao gồm chính sách về vốn thủ tục hành chính. Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) chất vấn người đứng đầu ngành xây dựng về nguyên nhân và giải pháp khắc phục thực trạng giá NƠXH hiện rất cao so với thu nhập của người dân.
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết việc đẩy mạnh phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân luôn được Đảng, nhà nước quan tâm nhưng số lượng chưa đạt so với yêu cầu đặt ra. Cụ thể, cả nước mới có 7,79 triệu m2 NƠXH trong khi yêu cầu là 12,5 triệu m2; quỹ đất dành cho NƠXH chỉ đáp ứng 36,31% nhu cầu.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) lo ngại sau khi di dời trụ sở cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi nội đô, các tòa nhà thương mại sẽ “mọc” lên gây ách tắc giao thông Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng thừa nhận quy định pháp luật về NƠXH còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là Luật Nhà ở. Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, nguồn vốn bố trí còn nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển NƠXH... Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, tạo quỹ đất nhằm thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", bảo đảm giá NƠXH phù hợp hơn với thu nhập của người dân.
Trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) về tính khả thi của đề án nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định với nhiều giải pháp đồng bộ, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương và DN, đề án sẽ bảo đảm khả thi. Vị trưởng ngành thông tin thêm đề án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 sẽ hoàn thành 570.000 căn hộ.
Bất cập quy hoạch đô thị
ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) chỉ rõ việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, bao gồm quy hoạch tổng thể và cục bộ, còn tùy tiện, không tuân thủ pháp luật và yêu cầu của ngành xây dựng. ĐB tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận thời gian qua, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị còn bất cập có nguyên nhân bởi khâu rà soát, đánh giá quy hoạch chưa kịp thời. Trong quá trình rà soát, nội dung đánh giá chưa đầy đủ, thấu đáo nên phải điều chỉnh nhiều lần; hoạt động thanh - kiểm tra còn hạn chế. "Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan lập, thẩm định quy hoạch và cơ quan được giao rà soát, đánh giá quy hoạch. Bộ Xây dựng có trách nhiệm về việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn, xử lý vi phạm; chưa kịp thời rà soát, bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn.
Để khắc phục tồn tại, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện, trình dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở kế thừa Luật Quy hoạch hiện hành, bổ sung nội dung quy hoạch nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc điều chỉnh quy hoạch ở các địa phương.
Đại diện đoàn Đắk Nông, ĐB Dương Khắc Mai chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chất lượng quy hoạch ở nhiều nơi không bảo đảm, có tình trạng quy hoạch treo, xuất hiện sai phạm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, quy hoạch treo rơi vào những án chưa xác định được nguồn lực và cơ chế triển khai đầu tư. Bộ trưởng thừa nhận còn có tình trạng quy hoạch không bảo đảm chất lượng, thiếu tầm nhìn, chưa dự báo chính xác, không đồng bộ với quy hoạch liên quan, các quy hoạch mâu thuẫn với nhau. Việc quản lý quy hoạch cũng chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; một số địa phương còn chủ quan khi mở rộng đất phát triển đô thị mà chưa tính toán chính xác nguồn lực; thủ tục về đất đai còn chậm và năng lực của chủ đầu tư chưa đạt yêu cầu.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) lo ngại sau khi di dời trụ sở cơ quan, DN ra khỏi nội đô, các khu đất được đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, văn phòng, trái với quy định của Chính phủ, gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay quy định hiện hành đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Trên cơ sở đó, việc di dời phải thực hiện đúng nguyên tắc và đúng quy hoạch đô thị.
Phát triển thị trường bất động sản lành mạnh ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải pháp, phương hướng để khắc phục tồn tại, khó khăn, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản (BĐS) lành mạnh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số giải pháp, như: hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro, tạo điều kiện cho vay đúng quy định pháp luật với những DN có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt để góp phần tăng nguồn cung. Đặc biệt, ưu tiên cho vay dự án NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Người đứng đầu ngành xây dựng cũng nêu giải pháp kiểm soát phát hành trái phiếu, hướng dẫn phát hành trái phiếu, huy động vốn của các DN BĐS đúng quy định, không cản trở huy động vốn của DN có đủ năng lực. Cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục của các dự án đang triển khai. "Với những giải pháp đồng bộ được thực hiện quyết liệt, thị trường BĐS sẽ dần cải thiện và đi vào ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định. |
ĐB PHẠM THỊ THANH MAI, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP Hà Nội: Cần lộ trình thực hiện giải pháp đã cam kết Trong nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nội dung về quản lý quy hoạch và phát triển NƠXH được người dân rất quan tâm. Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thể hiện bộ trưởng nắm rõ, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành. Từ đó, vị tư lệnh ngành đã nêu được các giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế. Từ phiên chất vấn, cử tri và người dân sẽ có cơ sở để tăng cường giám sát đối với trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong quản lý ngành. Quan trọng nhất là cần có lộ trình thực hiện những giải pháp được nêu ở phiên chất vấn. Nhiều giải pháp cần thực hiện lâu dài, không thể ngày một ngày hai, như giải pháp hoàn thiện thể chế. Song, có những giải pháp cần thực thi ngay, nếu để chậm thì khó khắc phục bất cập. Riêng với vấn đề NƠXH, cử tri kiến nghị xây dựng mô hình NƠXH tập trung. ĐB TRẦN VĂN LÂM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Sớm giải quyết tình trạng ngập úng Thực trạng ngập úng tại các đô thị xảy ra với tần suất, mức độ ngày càng trầm trọng hơn, gây khó khăn cho cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là một trong những vấn đề cử tri gửi đến bộ trưởng trước phiên chất vấn này. Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng này là ở sự yếu kém trong xây dựng và triển khai quy hoạch. Quy hoạch quyết định chất lượng phát triển đô thị nhưng có lẽ công tác này chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, dẫn đến chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, buông lỏng đã kéo theo nhiều sai phạm xảy ra. Bộ trưởng với trách nhiệm quản lý ngành xây dựng đã nắm bắt, nhìn nhận được nhiều vấn đề trọng tâm. Cử tri hy vọng phiên chất vấn chỉ là khởi đầu cho việc thực hiện những cam kết của trưởng ngành về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị một cách hiệu quả, đạt chất lượng. ĐB ĐẶNG BÍCH NGỌC (đoàn Hòa Bình): Thúc đẩy chuyển đổi số, chặn đăng tin sai sự thật Ngày 4-11, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với nhiều vấn đề được quan tâm trong thời đại mới, như: chuyển đổi số; quản lý thuê bao, đầu số của các nhà mạng; kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến; xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật... Tại phiên chất vấn, đại biểu và cử tri kỳ vọng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số, bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cần đưa ra giải pháp căn cơ để tăng cường quản lý các trang mạng xã hội, ngăn chặn tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. |
Theo chương trình kỳ họp, hôm nay 4-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn. |
https://nld.com.vn/thoi-su/nong-nha-o-xa-hoi-quy-hoach-treo-20221103224008584.htm