Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, sức ép lạm phát đã, đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Đại biểu Hà Đức Minh - đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Thúc đẩy phát triển vùng đặc biệt khó khăn
Đại biểu Hà Đức Minh - đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, ưu đãi tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn.
Sự quan tâm đó giúp giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Đồng thời, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng dần qua từng năm.
Theo đại biểu đại biểu Hà Đức Minh, 3 năm gần đây, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, đa phần đối tượng các xã bị tác động bởi Quyết định số 861 đều là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách đã ban hành. Qua đó, đảm bảo an sinh xã hội. Khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang đang thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn các xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 861, đặc biệt là các xã có tỷ lệ của người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đến hết giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, để đảm bảo tính kịp thời trong việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh thời điểm thực hiện xét thu hồi quyết định đối với các xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn năm 2021 - 2025.
Đối với việc phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp cả giai đoạn để các địa phương chủ động. Đồng thời, đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho phép thực hiện cơ chế riêng đặc thù về việc bố trí vốn sự nghiệp thủ tục đầu tư, giải ngân, chuyển nguồn đối với chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng không thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Đầu tư công.
Sớm thực hiện cải cách tiền lương
Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phân tích khó khăn, thách thức ở trong nước và các yếu tố tác động khách quan cả trong nước và nước ngoài. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, chủ động, linh hoạt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế xã hội trong nước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. |
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng nêu một số khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc giải ngân vốn ODA với tỷ lệ quá thấp. Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai từ sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng chậm.
Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng. Lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta, báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp. Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Việc sửa đổi các Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật khác nhằm hướng tới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, cần phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, bộ máy và nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức. Song, cũng cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương. Qua đó, góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương…
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/chu-dong-kich-ban-ung-pho-voi-lam-phat-post613172.html