205
/
129665
Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến lịch sử là môn học bắt buộc
quoc-hoi-yeu-cau-chinh-phu-nghien-cuu-tiep-thu-y-kien-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc
news

Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến lịch sử là môn học bắt buộc

Thứ 6, 17/06/2022 | 14:00:58
3,009 lượt xem

Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về việc lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến lịch sử là môn học bắt buộc - Ảnh 1.

Phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV chiều 16-6 - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 17-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho biết nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua đã nêu rõ yêu cầu đối với Chính phủ và các cơ quan tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học lịch sử.

Đồng thời, nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông.

Vị này nói thêm nội dung trên là yêu cầu định hướng của Quốc hội đối với Chính phủ và sau đó Chính phủ sẽ phải giao các cơ quan chuyên môn mà cụ thể là Bộ Giáo dục và đào tạo tiến hành nghiên cứu, có quyết định cụ thể đối với môn lịch sử.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng 4-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia; cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử.

Thủ tướng cũng gợi ý, có thể quy định theo hướng môn lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục, văn hóa, lịch sử là đầu tư cho sự phát triển. Với các chính sách tác động tới toàn dân, lợi ích chính đáng của người dân thì phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng.

Còn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định không có chuyện loại bỏ hay khai tử môn lịch sử khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua từ năm 2018. Sau 4 năm chuẩn bị, khi sắp được triển khai với lớp 10 đã nhận ý kiến về việc lịch sử là môn tự chọn.

Sau đó Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định việc bố trí môn lịch sử trong chương trình mới vẫn đáp ứng được yêu cầu giáo dục môn học này cho học sinh phổ thông. Ở cấp THCS của giai đoạn cơ bản, lịch sử được dạy từ lớp 6 đến 9, trang bị cho học sinh kiến thức cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn lịch sử là nội dung chuyên sâu.

Học sinh không học thiên về khoa học xã hội vẫn có thể lựa chọn lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ nghề nghiệp mà các em lựa chọn. Chương trình mới cũng dành 20% thời lượng cho lịch sử địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy.

Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết còn ý kiến trái chiều về việc đưa lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT.

Tại phiên họp toàn thể ngày 22-5, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề xuất giữ lịch sử là môn học bắt buộc do lo ngại học sinh THPT không lựa chọn khi môn này được đưa vào chương trình tự chọn.

Ngày 2-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức hội thảo với các đơn vị liên quan, nhà khoa học để đánh giá toàn diện về chương trình giáo dục môn lịch sử, đề xuất phương án phù hợp.

Theo Thành Chung/ Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/quoc-hoi-yeu-cau-chinh-phu-nghien-cuu-tiep-thu-y-kien-lich-su-la-mon-hoc-bat-buoc-20220617112222132.htm

  • Từ khóa

Ông Trần Thanh Mẫn: Kỳ họp thứ 7 quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao...
11:00 - 20/05/2024
0 lượt xem

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
10:00 - 20/05/2024
32 lượt xem

Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7, bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội

Sáng 20-5, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc. Kỳ họp chia làm hai đợt và sẽ bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội ngay trong ngày làm việc đầu...
08:12 - 20/05/2024
73 lượt xem

Từ ngày 1.7, làm thẻ căn cước buộc thu thập mống mắt

Luật Căn cước chính thức có hiệu lực kể từ 1.7 tới thay thế luật Căn cước công dân và có 10 điểm mới cơ bản.
07:52 - 20/05/2024
80 lượt xem

Đổi mới căn bản công tác cán bộ, tạo đột phá phát triển

Sáng 18.5, Hội nghị T.Ư 9 khóa XIII bế mạc sau 3 ngày làm việc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu bế mạc.
11:46 - 19/05/2024
557 lượt xem