Liên quan tới đề xuất của Chính phủ về việc nới "trần" giờ làm thêm trong tháng và năm, PV Dân trí đã trao đổi với TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Đề xuất nâng "trần" giờ làm thêm của tất cả các ngành nghề lên 300h/năm.
Tại cuộc họp thường vụ Quốc hội hôm 10/3, Chính phủ đã đề xuất tăng "trần" giờ làm thêm tháng từ 40h lên 72h/tháng và mở rộng mức giới hạn làm thêm 300h/năm cho tất cả các ngành nghề.
Thưa ông, câu chuyện điều chỉnh giờ làm thêm đã từng được đặt ra khi sửa Bộ luật Lao động năm 2019. Tới nay, từ nhu cầu thực tế, việc "nới" giờ làm thêm một lần nữa được đặt ra vì "trần" quy định hiện tại đã trở nên "chật chội", vướng víu, có phần cản trở phát triển?
- Làm thêm giờ là vấn đề thực tế đời sống, rất cần thiết cho cả doanh nghiệp và người lao động để xử lý chuyện thời vụ, đợt xuất khẩu hàng hóa và cũng là cơ hội nâng cao thu nhập của người lao động.
Nhưng về bản chất, làm thêm giờ vẫn là kéo dài thời gian lao động, đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu cho phép kéo dài thời gian làm thêm quá mức.
Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội. |
Do yêu cầu của quá trình hồi và phục phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt 2 năm vừa qua, do đại dịch Covid-19, người lao động rơi vào tình trạng mất hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống.
Điều này nảy sinh nhu cầu thật sự với người lao động rất cần làm thêm để có thêm thu nhập, để giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phục hồi và phát triển, cũng rất cần đầu tư tăng thêm nguồn nhân lực, trong đó có cả tuyển mới và tăng thời gian làm việc với lao động hiện hữu.
Ông nói tới tính thời điểm của đề xuất về việc tăng giờ làm thêm của Chính phủ lần này. Có thể thấy, đó chính là những đòi hỏi từ thực tiễn, thưa ông?
- Đề xuất của Chính phủ, tôi cho là rất cần thiết, do có quan hệ cung - cầu. Nhưng điều chỉnh giờ làm cần thực hiện trên cơ sở bảo đảm sức khỏe cho người lao động và bù đắp bằng thu nhập hợp lý. Đặc biệt, việc tăng giờ làm thêm chỉ nên áp dụng trong các ngành nghề, lĩnh vực có yêu cầu cấp thiết và trong thời gian nhất định.
Vậy bên cạnh quy định tăng giờ làm thêm, theo ông cần có thêm những chính sách hoặc quy định mới gì cho người lao động, qua đó nhằm đảm bảo ổn định việc làm và phát triển kinh tế trong giai đoạn này?
- Chúng ta vừa trải qua thời gian giãn cách xã hội kéo dài và quan hệ cung - cầu làm thêm đang xuất hiện trên thị trường lao động. Do đó, tăng thời gian làm thêm trong lúc này là cần thiết nhưng cũng nên lưu ý bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động.
Tôi cho rằng, để đảm bảo hiệu quả, mục tiêu của việc tăng giờ làm thêm, điều cần lưu ý đầu tiên là phải bảo đảm tăng thu nhập cho người lao động thông qua tăng đơn giá tiền lương làm thêm giờ và bảo đảm môi trường lao động an toàn khi làm thêm.
Đồng thời, nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp bảo đảm các điều kiện về nhà ở, giáo dục, y tế nhất là an toàn môi trường, phòng chống dịch bệnh, giúp người lao động yên tâm làm việc và tạo ra năng suất lao động cao, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phan Minh/Dân trí
https://dantri.com.vn/an-sinh/tang-gio-lam-them-dam-bao-tang-thu-nhap-qua-tang-don-gia-tien-luong-20220314101235236.htm