Ngày 20.1, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 21 đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về chương trình công tác năm 2022. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.
Không vì dịch bệnh mà “chùng” xử lý tham nhũng
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo mới được kiện toàn, bổ sung, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát với nhiều đổi mới của Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. TTXVN
Trong năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo. Điểm nổi bật là đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Tập trung xử lý sai phạm liên quan lĩnh vực y tế
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được; phải kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm, bất kể người đó là ai.
Tổng bí thư cũng yêu cầu tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm của vấn đề này, theo Tổng bí thư, là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công.
Tổng bí thư cũng cho biết Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm 1 vụ án theo kế hoạch. “Nhất là tập trung chỉ đạo xử lý vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế; các vụ việc, vụ án xảy ra tại Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, An Giang…”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trong công tác giám định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.
10 đại án đưa ra xét xử năm 2022 Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo yêu cầu đưa 10 vụ án trọng điểm ra xét xử sơ thẩm trong năm 2022, gồm: Vụ án bán rẻ đất vàng cho tư nhân xảy ra tại Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương. Vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận. Vụ án “buôn lậu hàng trăm ngàn lít xăng giả, đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương. Vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng. Vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op). Vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự; và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị. Vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương. |
Theo Thái Sơn - Lê Hiệp/Thanh niên
https://thanhnien.vn/nam-2022-tiep-tuc-day-manh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-post1423215.html