Ngày 19/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, không ủy quyền cho cấp phó trong lĩnh vực này. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật và về đề nghị xây dựng một số luật.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược theo các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, coi đây là đầu tư cho sự phát triển, tăng cường đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác này; bố trí cơ sở vật chất, không gian làm việc phù hợp, đầu tư về tài chính ngang tầm nhiệm vụ, có chế độ đãi ngộ tương xứng với người làm công tác tư pháp, pháp chế, cân đối, hài hòa, hợp lý với các ngành khác.
Do phiên họp có nhiều nội dung, thời gian có hạn, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các bộ chuẩn bị kỹ nội dung, xin ý kiến Chính phủ tại phiên họp đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, vấn đề mới, nhạy cảm và khó.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, không ủy quyền cho cấp phó trong lĩnh vực này, hằng tháng phải chỉ đạo rà soát lại các vấn đề vướng mắc, cần tháo gỡ, các vấn đề mới, nhạy cảm, phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành; những vấn đề chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua. Trên cơ sở đó, tiến hành sơ kết, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quy định, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Thủ tướng yêu cầu cần triển khai các khâu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật một cách kỹ lưỡng, chú trọng việc huy động trí tuệ tập thể, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn, các đối tượng tác động, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Theo Hà Văn/Chinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-chinh-phu-chuyen-de-xay-dung-phap-luat-102220119084225363.htm