Việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Chiều ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 6/1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án này.
Triển khai kết nối hơn 10.000 xã, phường, thị trấn chỉ trong một tuần
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc thực hiện Đề án được xác định là một trong những nội dung quan trọng, có tính đột phá của Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ trong năm 2022 và những năm tiếp theo. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Đề án xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Đề án.
Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là những kết quả hết sức ấn tượng, phản ánh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an nhân dân cùng các bộ, ngành, địa phương trong suốt gần 2 năm vừa qua để đến ngày hôm nay, có được một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, tập trung, hiện đại. Việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân. Góp phần khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các bộ, ngành và địa phương. Tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu. Góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, chuyển đổi thông minh.
Thủ tướng nêu rõ, một mặt, đại dịch đã làm bộc lộ những hạn chế, yếu kém về cơ sở dữ liệu của chúng ta, mặt khác, đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số. Thủ tướng lấy ví dụ, việc kết nối hội nghị trực tuyến tới hơn 10.000 xã, phường, thị trấn đã được triển khai chỉ trong vòng một tuần.
Thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều cơ sở dữ liệu và sau khi cân nhắc, tính toán, Chính phủ đã xác định lấy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng chính để kết nối các cơ sở dữ liệu. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp tục khẩn trương xây dựng Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, tất cả vì lợi ích chung của đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.
Việc triển khai Đề án là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Những mục tiêu Đề án xác định trong năm 2022 cho thấy một khối lượng công việc rất nhiều, quy mô lớn (là một trong những dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay), tiến hành trên phạm vi rộng (triển khai trên toàn quốc, toàn dân) và với sự phối hợp của nhiều bên liên quan (giữa các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông lớn và người dân, cộng đồng doanh nghiệp); trong đó Bộ Công an sẽ đóng vai trò nòng cốt thực hiện Đề án và chúng ta phấn đấu về đích sớm ngay trong năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Vẫn còn tâm lý "quyền anh, quyền tôi", tư tưởng cục bộ "cát cứ thông tin"
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh đất nước hiện nay, đây là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; nhưng khó khăn, thách thức phía trước còn rất nhiều, thậm chí không ít "lực cản". Một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn đang từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực công nghệ của các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ; vẫn còn đâu đó tâm lý "quyền anh, quyền tôi", tư tưởng cục bộ "cát cứ thông tin"; việc chuyển đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của các cấp, các ngành và của xã hội khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều; nguy cơ mất an ninh an toàn hệ thống và dữ liệu luôn thường trực...
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, trong đó: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vai trò nòng cốt là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; các bộ, ngành đang được giao các Cơ sở dữ liệu quốc gia có trách nhiệm khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình về thời gian, nhân lực triển khai thực hiện đảm bảo Đề án thực hiện thành công gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Các Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải quan tâm chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tăng cường kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại cơ sở, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận tham gia của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng họp trực tuyến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu để phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được xác định trong Đề án. Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng thực hiện kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, thông tin vaccine, xét nghiệm Covid-19, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm xác thực chính xác thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh chuẩn bị nền tảng, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm, y tế, giáo dục… và sắp tới là đất đai, chứng khoán.
Với những đơn vị chưa có hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hạ tầng công nghệ thông tin chưa bảo đảm thì nghiên cứu, sử dụng chung hạ tầng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm tiết kiệm, đồng bộ, hiệu quả;…
Theo Nguyễn Dương/Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-dai-dich-covid19-la-dong-luc-thuc-day-chuyen-doi-so-20220118214648677.htm